PGS.TS Đỗ Văn Thành (Phó Giám đốc NCEIF) cho biết, trong suốt 11 năm qua, có thể thấy tốc độ tăng GDP của Việt Nam luôn cao hơn tốc độ tăng GDP trung bình thế giới,và luôn đứng mức thứ hai sau Trung Quốc trong các nước thuộc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu như những năm 2000 - 2002, Việt Nam là nước có tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong nhóm các nước đang phát triển vùng Đông Á - Thái Bình Dương thì những năm 2003 đến nay lạm phát của Việt Nam luôn ở mức cao nhất.
“Vì vậy, hàm ý chính sách của nhóm nghiên cứu đưa ra chính là cần hạ thấp hơn mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội so với tiềm năng tương ứng trong đó thay đổi mô hình tăng trưởng là rất cấp bách”, ông Thành nói.
Còn theo ông Deepak Mishra, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam rất thành công trong việc huy động lượng vốn khổng lồ hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế. Tuy nhiên cách thức đầu tư của Việt Nam đặc biệt đang ngày càng bị coi là lãng phí không hiệu quả và không bền vững.
“Tuy nhiên Việt Nam vẫn có thể đạt mức tăng trưởng hơn 6% nhưng cần phải giải quyết nhiều vấn đề, và cơ sở hạ tầng vẫn là một trong những trở ngại lớn đối với tăng trưởng. Hiện, Việt Nam đang cần khoảng 25 tỷ USD/năm để đầu tư vào cơ sở hạ tầng”, ông Mishra cho biết./.