Trước thông tin xuất hiện tình trạng một số chủ đầu tư các dự án thương mại chia nhỏ các hợp đồng khi bán nhà để khách hàng đáp ứng tiêu chuẩn được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng vừa có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp kiểm tra, xử lý kịp thời.
Nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn còn rất thiếu. Trong ảnh: Khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp tại xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Tuấn Anh – TTXVN

Theo đó, để tránh việc lợi dụng chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước để trục lợi bất chính, đồng thời kiểm soát thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo chức năng và nhiệm vụ được Chính phủ giao, chỉ đạo các tổ chức tín dụng được giao triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 61/NQ-CP của Chính phủ, khẩn trương rà soát, kiểm tra lại quy trình cho vay, việc giải ngân vốn vay... đối với các đối tượng vay để mua nhà ở thương mại từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng. Việc cho vay cần phải bảo đảm đủ điều kiện, đúng đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 61/NQ-CP của Chính phủ.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội có biểu hiện sai phạm theo phản ánh của các cơ quan thông tin đại chúng, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm (nếu có). Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng sẽ cử cán bộ tham gia phối hợp để thực hiện.

Trong những ngày gần đây, một số cơ quan thông tin đại chúng đã phản ánh trên địa bàn thành phố Hà Nội có trường hợp chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã bán các căn hộ giá trị cao hơn 1,05 tỷ đồng, nhưng người mua vẫn được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 61/NQ-CP của Chính phủ. Sở dĩ các hộ này được vay vốn ưu đãi là do chủ đầu tư đã thỏa thuận với người mua để chia Hợp đồng mua bán nhà ở thành các hợp đồng như: Hợp đồng mua bán, hợp đồng tư vấn, hợp đồng trang bị nội thất...

Khi đó, người mua nhà chỉ ký với chủ đầu tư hợp đồng mua bán nhà ở có giá trị dưới 1,05 tỷ đồng – đáp ứng tiêu chí cho vay của gói 30 nghìn tỷ đồng, mặc dù trên thực tế người mua nhà vẫn phải trả đủ chi phí cao hơn nhiều so với hợp đồng này. Như vậy, người mua nhà sẽ đủ điều kiện được vay vốn hỗ trợ từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng. Cũng theo phản ánh của cơ quan thông tin đại chúng thì có một số cá nhân mạo nhận là người của tổ chức tín dụng, cam kết với người mua nhà sẽ được vay vốn từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo hợp đồng mua bán đã được chia nhỏ này.

Trong khi đó, theo quy định, các đối tượng được thụ hưởng chính sách này phải là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng, được vay vốn hỗ trợ với lãi suất ưu đãi thời hạn hỗ trợ lên tới 15 năm (gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng).

Bộ Xây dựng khẳng định, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc tích cực và việc phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Xây dựng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Thị trường bất động sản đã phục hồi tích cực, đồng thời giúp cho hàng chục ngàn hộ dân nghèo, người có thu nhập thấp khó khăn về nhà ở sớm được cải thiện nhà ở.

Thu Hằng (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.