23/04/2016 8:17 AM
CafeLand – Tranh chấp chung cư là cuộc chiến dai dẳng nhưng chưa bao giờ có hồi kết. Những mâu thuẫn vẫn cứ âm ỉ và sẵn sàng bùng phát dữ dội khi có một xung đột nào đó.

Tranh chấp liên tiếp xảy ra tại các chung cư.

Những ngày qua, câu chuyện về những mâu thuẫn dẫn đến căng thẳng giữa cư dân và chủ đầu tư tòa nhà Hồ Gơm Plaza (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) đang gây nhiều chú ý. Được biết, nguyên nhân của mâu thuẫn này là do cư dân không chịu đóng mức phí dịch vụ tạm thu mới 5.500 đồng/m2 (tăng 2.000 đồng/m2 so với trước) do đó chủ đầu tư đã cắt điện nước và khóa thang máy của chung cư này. Ngay lập tức, hàng trăm cư dân đã phản đối, giăng băng rôn, đòi chủ đầu tư giải thích. Được biết, những mâu thuẫn mới đây chỉ là đỉnh điểm của sự việc vì từ khi chuyển về đây sinh sống giữa cư dân và chủ đầu tư đã có những tranh cãi.

Vụ việc tại chung cư Hồ Gơm Plaza xem ra cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số cuộc tranh chấp diễn ra tại các chung cư khắp cả nước. Những xung đột giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản trị xảy ra ở hầu hết các chung cư không phân biệt bình dân hay cao cấp. Thông thường, những tranh chấp xoay quanh chủ yếu đó là vấn đề quỹ bảo trì, sở hữu chung riêng, phí dịch vụ…. Điển hình nhất là cuộc chiến đòi khoản phí bảo trì hơn 100 tỷ tại tòa nhà cao nhất Việt Nam - Kengnam, đây là vụ tranh chấp ầm ĩ nhất kéo dài suốt thời gian qua. Đến nay, cuộc tranh chấp này vẫn chưa có hồi kết dù sao bao nhiêu lần kiện tụng.

Tại TP.HCM, cuộc chiến tranh chấp tại các chung cư ngày càng lan rộng và phức tạp. Mới đây, cư dân sinh sống tại chung cư The Era Town (quận 7) bứ xúc khi phải chịu cảnh bị cắt nước giữa thời gian nắng nóng, nguyên nhân là Ban quản lý cho rằng cư dân không chịu đóng khoản phí quản lý. Được biết, cuộc tranh chấp tại chung cư này diễn từ nhiều năm qua, đỉnh điểm nhất là cuộc xô xát diễn ra ngày 3/1/2016 khiến cho một số cư dân bị thương. Cuộc tranh chấp sau đó phải có sự can thiệp của chính quyền địa phương và thành phố nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Mới đây, Ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh (quận 7) đã phải gửi thư “tố” chủ đầu tư dự án với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng vì không chịu bàn giao khoản phí bảo trì khoảng hơn 10 tỷ đồng cho ban quản trị. Được biết, không chỉ liên quan tới khoản phí bảo trì những tranh cãi tại chung cư này còn liên quan tới các vấn đề sở hữu chung riêng, phí dịch vụ…

Tại chung cư 584 (đường Lũy Bán Tích, quận Tân Phú) những tranh chấp giữ cư dân với chủ đầu tư cũng đã kéo dài liên tiếp nhiều năm, thậm chi đã có những cuộc tranh chấp khiến cư dân đổ máu tại chung cư này. Được biết, những sai phạm mà cư dân tố cáo chủ đầu tư đó là chiếm dụng diện tích thuộc sở hữu chung cho mục đích kinh doanh, thang máy liên tục hư hỏng, phí bảo trì, quản lý chung cư… Mới đây, nhiều cư dân tại chung cư này được một phen hú vía khi nhiều người đã bị “giam” trong thang máy khi đang sử dụng. Rất may sự việc được phát hiện và phải nhờ đến cơ quan chức năng để phá cửa cứu người. Vụ việc khiến nhiều cư dân sợ hãi, ngất xỉu.

Trong khi những vấn đề then chốt gây nên cuộc chiến chung cư vẫn chưa thể giải quyết thì quy định luật quản lý và sử dụng chung cư lại không mang hiệu quả triệt để. Đặc biệt, mới đây nhất Thông tư 02 về quy chế quản lý, sử dụng chung cư đưa ra một số quy định “trên trời” như cấm nói tục, chửi bậy, nuôi súc vật tại chung cư… khiến nhiều cư dân cho rằng đây chỉ là quy định cho có, thêm rối rắm, chứ không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Liên quan tới khoản phí bảo trì, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Luật Nhà ở 2014 đã quy định rõ, khi chưa có ban quản trị thì chủ đầu tư phải lập một tài khoản quản lý quỹ bảo trì của cư dân. Phải công khai số tài khoản, ngân hàng để cư dân biết để có thể nộp tiền và hay tự chuyển tiền vào tài khoản. Một khi chung cư đã có Ban quản trị thì trách nhiệm của chủ đầu tư phải bàn giao lại tài khoản quỹ bảo trì cho ban quản trị quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế không được mấy chung cư thực hiện rõ ràng như vậy.

Đại diện một chủ đầu tư cho rằng, vấn đề tranh chấp chung cư không thể đỗ lỗi hẳn cho các chủ đầu tư. Thậm chí, có tình trạng nhiều ban quản trị lạm quyền và có những đòi hỏi quá đáng vì mục đích riêng, chứ không phải là lợi ích chung của cư dân. “Số tiền phí bảo trì là không hề nhỏ, nếu đem giao cho một nhóm người họ có mục đích không lành mạnh thì thiệt hại ai sẽ chịu. Tôi nghĩ, quản lý quỹ bảo trì nên giao cho đại diện của ban quản trị và người của chủ đầu tư cùng quản lý để giám sát lẫn nhau”.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.