24/10/2011 2:34 AM
CafeLand - Gần đây, các vụ tranh chấp chung cư xảy ra ngày càng nhiều từ phí quản lý, chất lượng công trình, hợp đồng mập mờ cho đến tiến độ bàn giao. Như vậy, một vần đề cần quan tâm là phải chăng các chủ đầu tư đã bỏ quên chữ “tín”?
Người mua luôn bị thiệt

Một số chủ đầu tư đã lách luật thông qua hợp đồng góp vốn, huy động vốn để mua bán nhà trên giấy trong khi công trình chưa được xây xong phần móng và có khi công trình chưa được phê duyệt dẫn đến những tranh chấp, kiện tụng giữa khách hàng và chủ đầu tư. Cụ thể như vụ việc xảy ra ở dự án CT2 Vân Canh, dự án Làng Việt kiều châu Âu ở Khu đô thị Mỗ Lao,…

Vụ tranh chấp giữa các hộ dân và chủ đầu tư chung cư Quốc Cường Gia Lai 1 chủ yếu về thu phí không hợp lý, chất lượng nội thất không giống như nhà mẫu và trả lãi phạt do chậm tiến độ bàn giao căn hộ như đã cam kết. Theo hợp đồng, Công ty Quốc Cường Gia Lai phải trả lãi suất chậm giao nhà là 1,5%/tháng trên tổng số tiền góp vốn của khách hàng. Tuy nhiên, phía công ty đã không thực hiện như cam kết nên gây nhiều bức xúc đối với các hộ dân.

Hơn nữa, chủ đầu tư chậm trễ trong việc thi công để bàn giao nhà đúng tiến độ. Điển hình, dự án cao ốc Phố Đông – Hoa Sen hiện chưa hoàn thành phần thô trong khi chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao căn hộ chậm nhất vào cuối quý 1/2012.

Hầu như các vụ tranh chấp đều xuất phát từ những điều khoản trong hợp đồng mua bán, có những điều khoản mập mờ nhưng khách hàng không phát hiện ra đến lúc xảy ra vụ việc mới vỡ lẽ.

Uy tín hay lợi nhuận?

Mới đây, sự bất đồng diễn ra giữa khách hàng và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584, chủ đầu tư dự án 584 Tân Kiên A về việc chuyển đổi chung cư thành bệnh viện với lý do chủ đầu tư đưa ra là khó khăn về tài chính nên không đủ khả năng giao nhà theo thời hạn cam kết. Được biết, khách hàng đã thanh toán căn hộ tại block A từ 80% - 90% giá trị hợp đồng từ tháng 6/2010. Thế nhưng hiện nay, công năng của khối chung cư này đang được tiến hành khảo sát chuyển thành bệnh viện đã gây nhiều bức xúc cho người mua. Như vậy phương án bồi thường như thế nào mới hợp lý và số tiền khách hàng đã thanh toán cho chủ đầu tư đã đi về đâu để giờ đây nói rằng không đủ khả năng thực hiện như cam kết trong hợp đồng.

Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản cùng chung cảnh thiếu vốn và gặp nhiều khó khăn trong kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, không thể viện cớ lý do Chính phủ thắt chặt tín dụng nên không có vốn để triển khai dự án dẫn đến chậm tiến độ bàn giao. Thiết nghĩ, khi lập một dự án, các chủ đầu tư đã tính toán những rủi ro sẽ xảy ra như vốn giải ngân thực hiện dự án, giá chi phí đầu vào tăng, lạm phát, rủi ro thanh toán. Đồng thời, xác suất giá trị hiện tại ròng NPV của dự án bằng 0 là thấp nhất.

Thị trường khó khăn cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp bất động sản. Qua đó, để tồn tại trên thị trường đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược đầu tư, đặc biệt phải tạo dựng được uy tín đối với khách hàng. Trước những vụ tranh hiện nay một phần nào đã đánh mất uy tín mà “một lần bất tín thì vạn lần bất tin” thì tất yếu doanh nghiệp khó lòng trụ vững trên thị trường.

Một cuộc khảo sát của Công ty Nhà vui tại hội triển lãm kiến trúc Việt Nam - VietArc 2011 diễn ra ở Tp.HCM tháng 6/2011 cho thấy mục đích mua nhà để ở chiếm tới 31,44% trong khi mục đích đầu tư chỉ có 7,7% và khuynh hướng lựa chọn sản phẩm dựa trên uy tín của chủ đầu tư chỉ xếp hạng thứ hai sau yếu tố giá cả và điều kiện thanh toán. Điều này cho thấy rằng khách hàng ngày càng chú trọng uy tín của chủ đầu tư. Hy vọng, các doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện đúng những gì đã cam kết để đôi bên cùng có lợi, những vụ tranh chấp chung cư sẽ không còn tiếp diễn và người mua thực sự tìm được “chốn an cư”.

Tường Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.