Đại diện chủ đầu tư và ban quản lý trong buổi làm việc với cư dân. Ảnh bạn đọc cung cấp
Về giá nước, cư dân cho rằng giá bán 14.000 đồng/m3 là quá cao. Ông Dương Công Điệp, Phó Giám đốc khối kinh doanh Công ty CP Him Lam giải thích do cư dân chưa có hộ khẩu, chưa hoàn tất hồ sơ nên đơn giá này không được tính định mức.
Tuy nhiên, khi nhiều cư dân thắc mắc tại sao ban quản lý văn bản với Công ty nước sạch Số 2 Hà Nội từ tháng 2/2016 và họ đã có hướng dẫn về việc hoàn thiện hồ sơ. Thế nhưng đến nay là tháng 7/2016, tức sau 5 tháng nhưng ban quản lý không hề hướng dẫn cho người dân hoàn tất thủ tục để xin được cấp nước với giá nước sinh hoạt, thì ông Điệp không trả lời được.
Bên cạnh đó, các cư dân cũng cho rằng việc việc tính phí vận hành (máy bơm, hút bùn, bảo dưỡng) vào giá nước là bất hợp lý, vì theo nguyên tắc, cư dân đang được hưởng miễn phí một năm phí dịch vụ. Mặt khác, đơn giá nước đã bao gồm phí bảo vệ môi trường nhưng trong cơ cấu giá nước bán cho cư dân vẫn có phí xử lý nước thải, như vậy là phí chồng phí.
Hơn nữa, cư dân không được thanh toán trực tiếp cho các công ty cung ứng mà đều thông qua Công ty CP dịch vụ đô thị Him Lam. Thế nhưng tất cả các phiếu thu điện, gas, nước… phát cho cư dân đều không phải là hóa đơn giá trị gia tăng. Trước các thắc mắc này, chủ đầu tư đã phải xin “khất”, hẹn trả lời cư dân bằng văn bản. Riêng về giá nước sẽ có văn bản trả lời cho cư dân vào thứ 5 tuần này.
Ngoài giá nước, cư dân cũng đặt câu hỏi vì sao tòa nhà chỉ có một nhà cung cấp mạng viễn thông duy nhất là Công ty CP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn. Khi lắp đặt sử dụng, tại sao cư dân lại phải đóng thêm một khoản phí hạ tầng viễn thông 600.000 đồng.
Bà Lê Thị Bích Ngọc, Giám đốc khối kinh doanh Công ty CP Him Lam giải thích, chủ đầu tư không hạn chế số nhà mạng hoạt động tại chung cư. Tuy nhiên, việc lắp đặt đường dây phải thông qua ban quản lý để đảm bảo tính mỹ quan của tòa nhà. “Khi xây dựng, công ty chỉ đầu tư đường dây thôi, còn đơn vị cung ứng Internet có đầu tư riêng các khoản khác và các khoản ấy cư dân phải chịu”, bà Ngọc nói.
Mặc dù vậy, các cư dân vẫn bức xúc vì cho rằng chủ đầu tư phải bỏ tiền hoàn thiện về hạ tầng viễn thông chứ không phải để cư dân đóng góp.
Đồng thời, cư dân cũng mong muốn chủ đầu tư xúc tiến để cư dân kí hợp đồng với nhà cung cấp gas, Công ty nước sạch, Công ty điện lực của Thành phố Hà Nội mà không thông qua Công ty CP dịch vụ đô thị Him Lam
Trong buổi gặp mặt, các hộ dân cũng bức xúc quanh việc sân chơi trẻ em có nhiều trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau không thuộc chung cư vào chơi và chiếm dụng đồ chơi khiến sân chơi quá tải. Dù cư dân đã ý kiến lên ban quản lý nhưng lại chưa có câu trả lời. Việc một số căn hộ hỏng cửa kéo, tường bị thấm dột nhưng không khi gọi ban quản lý lại bị không tiếp nhận và trực tiếp giải quyết đại diện chủ đầu tư cho biết sẽ cử người đến bảo trì, sửa chữa cho cư dân.
Trước đó, các hộ dân ở khu chung cư Him Lam Thạch Bàn 2, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội vừa có đơn kiến nghị tập thể gửi đến chủ đầu tư là Công ty CP Him Lam và đại diện ban quản lý là Công ty CP dịch vụ đô thị Him Lam về những bất đồng trong việc thu tiền nước và tiền gas tại đây. Theo đại diện cư dân, giá nước và gas cư dân đang đóng cao hơn nhiều lần so với mặt bằng chung tại các chung cư lân cận trên địa bàn thành phố Hà Nội.
-
Cư dân bức xúc vì phải chịu giá nước “trên trời”
CafeLand - Gần 50 hộ dân ở khu chung cư Him Lam Thạch Bàn 2, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội vừa có đơn kiến nghị tập thể gửi đến chủ đầu tư là Công ty CP Him Lam và đại diện ban quản lý là Công ty CP dịch vụ đô thị Him Lam về những bất đồng trong việc thu tiền nước và tiền gas tại đây.