Để nhanh chóng tăng thị phần, nhiều ngân hàng miễn phí phát hành thẻ, hỗ trợ khách hàng kê khai tại nhà, cơ quan. Do đó, nhiều khách hàng cứ vô tư mở nhiều thẻ bởi “chẳng mất gì” dù không có nhu cầu sử dụng. Đây chính là nguyên nhân khiến một lượng không nhỏ thẻ ATM đang trở thành “rác”, gây lãng phí và hệ luỵ lớn cho cả ngân hàng lẫn khách hàng.
Hội Thẻ Việt Nam cho biết, tính đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 132 triệu thẻ thanh toán do các ngân hàng phát hành, gồm thẻ ATM, thẻ tín dụng… Trong đó, thẻ ATM chiếm hơn 90%.
Tuy nhiên, trong số này chỉ có 77 triệu thẻ hoạt động thực sự, 55 triệu thẻ còn lại là thẻ “rác”.
Ồ ạt phát hành thẻ
Định hướng thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ đã khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh phát hành thẻ trong thời gian qua.
Hiện nay, cuộc đua giành thị phần đang được đặt lên vai nhân viên ngân hàng. Chị Lê Thanh Nhung là nhân viên phòng thẻ của TPBank, hàng quý đơn vị áp chỉ tiêu về số lượng thẻ tín dụng mở mới cho từng người. “Nếu không đủ số lượng được giao, có thể bị trừ lương, giảm thưởng, thậm chí hạ mức đánh giá xếp loại nhân viên cuối năm”, chị Nhung chia sẻ.
Một số ngân hàng còn giao cả chỉ tiêu thẻ cho nhân viên các bộ phận khác như trường hợp anh Thanh Sơn, giao dịch viên một ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cho biết, ngoài chỉ tiêu về huy động vốn, mỗi quý anh bị giao chỉ tiêu phát hành 20 thẻ ATM.
“Thời gian đầu, tôi gọi điện nhờ người thân, bạn bè ủng hộ, lâu dần không còn ai, tôi phải nhờ người quen xin cho danh sách khách hàng để gọi điện, gửi mail khắp nơi để mời”.
Để lôi kéo khách hàng mở thẻ, hiện có nhiều ngân hàng miễn phí phát hành thẻ, hỗ trợ khách hàng kê khai tại nhà, cơ quan. Chị Thủy, sinh viên trường Đại học Thăng Long (Hà Nội), cho biết trong ví của mình hiện đang có đến 4 thẻ ATM của 4 ngân hàng khác nhau nhưng chị chỉ sử dụng thường xuyên thẻ của một ngân hàng.
“Các ngân hàng thường đến tận trường để mời chào sinh viên đăng ký phát hành thẻ miễn phí. Thậm chí có ngân hàng còn không yêu cầu duy trì số dư tối thiểu trong thẻ. Sau 3 năm học, tôi có 4 thẻ ATM, nhưng mới chỉ kích hoạt 1 thẻ để dùng”, chị Thủy nói.
Thực tế, thu nhập từ mảng thẻ của các ngân hàng cũng đang có sự gia tăng đáng kể trong thời gian qua.
Tính đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 132 triệu thẻ thanh toán do các ngân hàng phát hành, gồm thẻ ATM, thẻ tín dụng…, nhưng chỉ có 77 triệu thẻ hoạt động thực sự, 55 triệu thẻ còn lại là thẻ “rác”.
50% là thẻ “rác”?
Hội Thẻ Việt Nam cho biết, tính đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 132 triệu thẻ thanh toán do các ngân hàng phát hành, gồm thẻ ATM, thẻ tín dụng… Trong đó, 15,6 triệu thẻ được phát hành mới, tương đương 20% số thẻ đang hoạt động thực tế trên thị trường.
Theo lãnh đạo một nhà băng, con số này vẫn chưa phản ánh đúng thực tế lượng người dùng thẻ, bởi con số này sẽ không ngừng tăng lên do các ngân hàng hiện vẫn đang ráo riết phát hành thêm, nhất là loại thẻ ATM. Trong đó, một lượng không nhỏ số thẻ ATM đã trở thành thẻ “rác” do người dùng chỉ đăng ký… cho vui vì “không mất gì”.
Do đó, vị lãnh đạo này cho rằng ước tính có đến 50% số thẻ được phát hành hiện nay là thẻ “chết”.
Theo các chuyên gia, số lượng thẻ “rác” cao không chỉ gây lãng phí cho các ngân hàng, mà còn gây ra nhiều hệ luỵ đối với khách hàng.
Nhiều ngân hàng quy định thẻ tín dụng đã phát hành ra là thu phí thường niên, nếu khách hàng không đọc kỹ điều khoản trong hợp đồng sẽ phải “trả giá” đóng hàng trăm nghìn tiền phí cho những chiếc thẻ mà mình không sử dụng.
Thậm chí, nhiều trường hợp, khách hàng không thanh toán khoản phí thường niên đúng hạn, đã bị một số ngân hàng áp dụng chế độ phạt nợ quá hạn, tùy mức độ có thể bằng 50%, hoặc thậm chí 100% khoản phí thường niên, khiến người dùng thiệt đơn thiệt kép.
Ngoài ra, việc không giới hạn mở thẻ ATM, thẻ tín dụng khiến một số cá nhân sử dụng giấy tờ giả đăng ký làm thẻ ATM, tài khoản thanh toán tại ngân hàng rồi bán lại mà bên mua có thể sử dụng với mục đích bất hợp pháp.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng, mở và sử dụng thẻ thanh toán; kiểm tra và giám sát chặt chẽ đảm bảo quy trình được thực hiện đúng và tuân thủ quy định pháp_luật hiện hành, phổ biến tới toàn thể nhân viên và người quản lý có trách nhiệm, xử lý nghiêm cán bộ không tuân thủ đầy đủ quy định.
Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; tăng cường các biện pháp kiểm tra, nhận biết, xác minh và cập nhật thông tin khách hàng để phát hiện, xử lý các trường hợp mạo danh sử dụng giấy tờ giả để mở và sử dụng tài khoản thanh toán, đề nghị phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng (đặc biệt đối với trường hợp khách hàng đăng ký phát hành nhiều thẻ ngân hàng); đánh giá, phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro và cân nhắc giới hạn số lượng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng mở cho một khách hàng và áp dụng hạn mức giao dịch tương ứng.
Huyền Anh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.