“Nhiều năm liền nước ở các tuyến kênh dọc Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị ô nhiễm nặng, không còn sử dụng được. Chúng tôi bất bình là từ khi KCN này hình thành thì phát sinh ô nhiễm nghiêm trọng, kéo dài. Nước thải, khí thải, khói bụi đang xâm nhập dần dần giết chúng tôi” - ông Nguyễn Hồng Phúc ở ấp 7, xã Lê Minh Xuân phản ánh.
Sát nách vùng ô nhiễm
KCN Lê Minh Xuân do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) làm chủ đầu tư được Thủ tướng cho phép thành lập từ năm 1997.
Theo quyết định của Bộ Xây dựng (duyệt quy hoạch chi tiết KCN Lê Minh Xuân) thì nơi đây chủ yếu để bố trí các ngành công nghệ nhẹ, ít ô nhiễm về tiếng ồn, không khí... Do KCN này nằm kế khu dân cư của huyện Bình Chánh nên Bộ Xây dựng khuyến cáo cần đảm bảo tính thống nhất với giải pháp quy hoạch chung của toàn khu vực. Ngoài ra, khi duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) yêu cầu phải bố trí một khoảng cách ly hợp lý.
13 năm qua người dân vẫn mỏi mòn trông chờ BCCI giải tỏa vùng cách ly để họ thoát khỏi cảnh ô nhiễm. Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho hay khu vực được xác định làm vùng cách ly rộng khoảng 5,4 ha. Ban đầu chỉ có 29 hộ dân nhưng do việc giải tỏa, bồi thường khi ấy không thực hiện sớm, đến nay số hộ dân nơi đây đã tăng lên 144 hộ. Hiện địa phương đã kiểm tra, khảo sát hiện trạng và lên phương án giá bồi thường để nhanh chóng thực hiện giải tỏa.
Theo ông Nguyễn Thụy Nhân, Tổng Giám đốc BCCI, đơn vị đang cố gắng thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình trạng môi trường ở KCN này. Cạnh đó, BCCI đang phối hợp với UBND huyện nhằm thống nhất phương án giá để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. “Vướng mắc lớn nhất là chưa có nơi bố trí tái định cư cho những hộ dân này” - ông Nhân phân trần.
KCN Lê Minh Xuân phát sinh ô nhiễm khói bụi, không khí, nguồn nước nhưng chậm xây dựng vùng cách ly khiến người dân phải sống chung với ô nhiễm hơn chục năm qua. Ảnh: MP
Bất cập từ nhiều phía
Theo quy định, KCN phát sinh khí thải, tiếng ồn phải nằm cuối hướng gió và có khoảng cách ly với khu đô thị bằng các dải cây xanh. Theo Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), KCN hay cụm công nghiệp phải có dải cây xanh cách ly với khu dân cư rộng khoảng 20-50 m nhằm phòng trường hợp mùi hôi, khói bụi không được xử lý triệt để lây lan, ảnh hưởng đến người dân.
Tuy nhiên, trường hợp như KCN Lê Minh Xuân không phải
hiếm, nhiều KCN ở thành phố chưa làm được hành lang cách ly như yêu
cầu. Nhà dân cư nằm giáp ranh tường KCN nhưng không hề có cây xanh cách
ly. Điều này dẫn đến việc người dân chịu hết xiết, phản ứng mạnh như
trường hợp người dân từng kéo đến yêu cầu đóng cửa Công ty Thuộc da Hưng
Thái (ở KCN Vĩnh Lộc) do gây ra mùi hôi.
Hepza nhận định: Nguyên nhân không có hành lang cách ly ở nhiều KCN như ở KCN Lê Minh Xuân là do chủ đầu tư chậm trễ thực hiện. “Chủ đầu tư KCN phải thực hiện nghĩa vụ xây dựng khoảng cách ly theo đúng chuẩn chứ không phải chỉ chăm chăm vào chuyện khai thác KCN. Cạnh đó, ở những nơi đã có vùng cách ly thì địa phương phải giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp lấn vào khu cách ly nhằm hạn chế ảnh hưởng đến người dân và dẫn đến những xung đột, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp” - một lãnh đạo Hepza đề nghị.
Do nằm sát KCN Lê Minh Xuân nên nhà tôi cùng hàng trăm hộ dân khác đã được thông báo sẽ bị giải tỏa, thực hiện vùng cách ly. Sát khu vực chúng tôi ở có một doanh nghiệp thường hay xả khói đen nghịt khiến bụi bám thành từng lớp trên các vật dụng trong nhà. Cạnh đó, các công ty liên quan đến ngành nghề da, dệt còn phát mùi rất hôi. Chúng tôi bị ho, viêm họng liên miên.
Chúng tôi đề nghị
chính quyền địa phương, chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện việc bồi
thường, giải tỏa để chúng tôi thoát khỏi cảnh ô nhiễm.
Bà NGUYỄN THỊ ÚT, tổ trưởng tổ 15, ấp 7, xã Lê Minh Xuân
BCCI đã chậm trễ trong việc giải tỏa, xây dựng vùng đệm cây xanh cách ly. Trong khi đó, địa phương lại thiếu quyết liệt đôn đốc yêu cầu chủ đầu tư thực hiện để ”giải phóng” cho người dân. Ông PHẠM VĂN ĐÔNG, |