08/04/2021 8:50 AM
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các công trình xây dựng “chui” trên đất nông, lâm nghiệp là trách nhiệm của UBND các địa phương, và phải xử lý, cưỡng chế các công trình này.

Siêu công trình xây dựng trên đất trồng cây lâu năm tại thôn Đồi Vua, thị xã Sơn Tây

Tại tổ 20, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), hàng loạt công trình nhà cấp 4, sân bóng, bãi gửi xe ô tô (ngõ 105) được xây dựng trên đất nông nghiệp. Theo một người dân, khu đất vốn được quy hoạch làm sân chơi chung nhưng lại bị chiếm dụng khiến cư dân lân cận vô cùng bức xúc. Nhưng thực tế này tồn tại nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo phường quận mà không được xử lý.

Tại huyện Đông Anh, trong quá trình phát triển lên quận phát sinh nhiều vấn đề về đô thị, trong đó việc xây dựng đất nông nghiệp rất “nóng”. Như tại khu Bãi Miễu, Mạch Tràng (xã Cổ Loa), các nhà, xưởng kiên cố cứ lần lượt mọc lên trên đất nông nghiệp.

Tại thôn Đồi Vua, thị xã Sơn Tây, công trình cao 9 tầng xây trên đất trồng cây lâu năm cũng đang như một dấu hỏi lớn, thách thức dư luận.

Không có chuyện phạt cho tồn tại

Phó Chủ tịch UBND phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) Đặng Thìn Chín thừa nhận, loạt công trình, sân bóng xây dựng không phép là tồn tại lâu năm. Khu đất thuộc sở hữu của ông Ngô Văn Hưng đã sử dụng nhiều năm. Trước đây khu này là đất ao, sau đó bị san lấp và xây dựng. “Về hồ sơ quản lý đất đai cần kiểm tra lại vì chưa xác định được nguồn gốc đất?!”, ông Chín thông tin.

Đối với công trình 9 tầng xây dựng không phép tại thôn Đồi Vua, thị xã Sơn Tây, cơ quan chức năng đã kiểm tra xử lý từ rất sớm. Cụ thể, ngày 4/9/2020, Sở Xây dựng giao Thanh tra Sở phối hợp cùng Phòng Quản lý đô thị thị xã Sơn Tây và Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thị xã tổ chức làm việc với UBND xã Sơn Đông để kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin phản ánh về công trình xây dựng tại thôn Đồi Vua.

Tuy nhiên, hành vi vi phạm của chủ đầu tư chưa được chính quyền địa phương kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính, đến thời điểm này đã 7 tháng, công trình đã được xây lên đến tầng thứ 9.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện UBND thị xã Sơn Tây cho biết đã báo cáo Sở Xây dựng, UBND thành phố về hướng xử lý trường hợp này. Để xảy ra vi phạm có sự buông lỏng quản lý của cán bộ cấp xã. Có 2 phương án xử lý công trình, một là cưỡng chế tòa nhà, hai là có thể cho đóng phạt diện tích tăng thêm.

Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc xử lý công trình trên đất nông nghiệp thuộc về trách nhiệm của địa phương. Nghị định 139/2017 của Chính phủ đã quy định rõ việc phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có phép xây dựng. Trong vòng 60 ngày kể từ khi lập biên bản vi phạm hành chính, chủ đầu tư được phép xin cấp phép xây dựng. “Nếu không thực hiện được sẽ phải cưỡng chế công trình, không có chuyện phạt cho tồn tại”, lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định.

Ủy ban kiểm tra Thị ủy và Đảng ủy cơ quan UBND thị xã Sơn Tây, Thị ủy Sơn Tây vừa đình chỉ sinh hoạt cấp ủy với ông Nguyễn Thanh Hà (Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã Sơn Tây) để phục vụ công tác điều tra vụ án. Việc tạm đình chỉ ông Hà có liên quan đến việc điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Sơn Tây với các vụ việc liên quan đến sai phạm trong công tác quản lý đất đai, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã.

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, trong năm 2020, UBND các quận, huyện, thị xã và Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra, xử lý 628 trường hợp có hoạt động xây dựng vi phạm trên đất nông, lâm nghiệp. Trong đó đã xử lý xong 520 trường hợp, chiếm tỷ lệ 82,8% và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền.

Theo lãnh đạo Sở, vấn đề xử lý vi phạm về trật tự xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp được quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu UBND cấp xã, phường. Trong trường hợp phát sinh vi phạm, Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo cán bộ địa chính cấp xã phối hợp với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện và cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo lĩnh vực đất đai.

Trần Hoàng (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.