Trong khi đất công viên bị "băm vụn" vì sử dụng sai mục đích, thì những hạng mục chính cũng không được cải tạo đã khiến những nơi lẽ ra phải là điểm nhấn của đô thị trở nên nhếch nhác. Song tín hiệu vui đã xuất hiện khi một số giải pháp đã được đề ra để công viên được trả về đúng vị trí của mình.
Nhà hàng New Wind lấn chiếm khuôn viên Công viên Nghĩa Đô và cả vỉa hè, lòng đường.
Nhà hàng mọc trên “đất vàng”!
Thời gian qua, người dân sống tại phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) bức xúc về việc quán cà phê New Wind, phở gia truyền được xây dựng trên đất của Công viên Nghĩa Đô (thuộc phường Dịch Vọng và Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) và Nhà văn hóa phường Dịch Vọng. Quán cà phê này nằm ở vị trí khá đắc địa trên đường Chùa Hà, có hướng nhìn ra hồ nước trong công viên. Anh Nguyễn Nam Thắng sống tại phường Dịch Vọng bức xúc: “Phố Chùa Hà vốn nhỏ, nhưng bất kể giờ nào cũng phải nhường một phần lòng đường cho các phương tiện đỗ xe vào quán. Dù không có biển được phép đỗ, song chúng tôi không thấy lực lượng chức năng xử lý. Tôi cũng không hiểu tại sao nơi vui chơi, phục vụ cộng đồng mà một số người lại được kinh doanh, lấn chiếm vỉa hè, lòng phố”. Tương tự, tại Công viên Thủ Lệ (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) phần tiếp giáp với đường Đào Tấn có mặt tiền dài hàng trăm mét vốn là hàng rào của công viên cũng bị biến thành một chuỗi các hàng ăn, quán nhậu, gara sửa ô tô, quán cà phê, sân tennis… nhiều cửa hàng được xây dựng kiên cố, hoạt động rầm rộ.
Tại quận Hà Đông, dự án Khu Công viên thể thao cây xanh Hà Đông (thuộc phường Hà Cầu và Kiến Hưng) đang bị biến tướng thành tụ điểm ẩm thực khi mọc lên hàng loạt nhà hàng, quán nhậu, hoạt động cả ngày lẫn đêm. Trong khi đó, ở Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) các hạng mục công trình phục vụ vui chơi, giải trí đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống vòng đu quay gỉ sét, hệ thống bể bơi, máng trượt khổng lồ đã phai màu theo thời gian... Tuy nhiên, đối lập với tình cảnh xập xệ đó là khu vui chơi giải trí, hệ thống nhà hàng Queen Bee II hoạt động tấp nập trong khuôn viên của công viên. Theo quy hoạch, khu đất nhà hàng này là diện tích trồng cây xanh, đã bị nhiều cơ quan chức năng xử lý, tuy nhiên, đến nay vẫn tồn tại…
Giữ gìn, phát triển không gian xanh
Thực tế hiện nay, việc quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng đất công viên đã và đang được thành phố siết chặt, tuy nhiên muốn đạt được hiệu quả như mong muốn rất cần sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp cũng như các cơ quan chức năng. Đất công phải phục vụ mục đích công - đến bao giờ mong muốn chính đáng này mới thành hiện thực khi mỗi vi phạm lại có một lý do khác nhau?
Không ít địa phương cho đó là "tồn tại lịch sử" nên mặc nhiên chấp nhận, thậm chí có địa phương còn khó dễ khi đề cập đến vấn đề này. Đơn cử như tại phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy). Khi phóng viên Báo Hànộimới liên hệ với Chủ tịch UBND phường Nguyễn Việt Trung để trao đổi về việc sử dụng đất của nhà hàng New Wind kinh doanh trong Công viên Nghĩa Đô, thì vị lãnh đạo phường này cáo lỗi đang bận họp và yêu cầu phóng viên mang giấy giới thiệu đến liên hệ với văn phòng UBND phường. Tuy đã làm theo yêu cầu này, nhưng hơn 1 tuần trôi qua kể từ ngày đặt lịch, đến nay chính quyền phường Dịch Vọng vẫn không cung cấp thông tin cho phóng viên. Trong khi đó, với những sai phạm tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, ông Phạm Hoàng Linh, Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn thông tin, quận Hai Bà Trưng đã có văn bản kiến nghị thành phố xem xét tạm cho các công trình tồn tại, giữ nguyên hiện trạng đến khi quy hoạch Công viên Tuổi trẻ Thủ đô hoàn thiện...
Một góc dự án Công viên thể thao cây xanh Hà Đông đã bị nhà hàng lấn chiếm. Ảnh: Thanh Hải
Rõ ràng, việc một số công viên, khu vui chơi công cộng bị xâm phạm, sử dụng không đúng mục đích là do sự buông lỏng quản lý và thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, mỗi công viên đều có xác định tỷ trọng khu dịch vụ với diện tích chung của công viên. Phải khẳng định rằng, chức năng vui chơi, giải trí phải là chính, còn dịch vụ thì chỉ là tạo điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân đến vui chơi. Nhưng thời gian qua, chúng ta còn thiếu giám sát khi triển khai các khu dịch vụ trong công viên. Điều này dẫn đến việc nhiều diện tích trong công viên vẫn bị sử dụng sai mục đích, trong khi đó công tác quản lý chưa có sự đồng bộ, thống nhất. Chúng ta cần làm rõ việc phân công trách nhiệm cụ thể cho đơn vị quản lý. Trong bối cảnh Luật Thủ đô hiện nay đã có, thì tình trạng này đòi hỏi phải có chế tài cụ thể hơn nữa.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại nhiều hội nghị về quản lý đô thị, phát triển cây xanh đã khẳng định, thành phố sẽ tập trung bảo tồn, gìn giữ, phát triển không gian xanh, công viên, vườn hoa, hệ thống cây xanh đô thị. Đây cũng là định hướng để các địa phương nhanh chóng khắc phục, xử lý các tồn tại tại một số công viên hiện nay. Thực tế, đã có những kế hoạch, quyết định cụ thể trong việc chỉnh trang, đầu tư các khu vui chơi công cộng. Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Phạm Hoàng Linh thông tin, một tập đoàn lớn đã quyết định rót vốn đầu tư vào Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Khi đó, nhà đầu tư sẽ quy hoạch và phát triển công viên này theo hướng hiện đại. Những tồn tại, vi phạm về quản lý xây dựng, lấn chiếm đất công viên sẽ được khắc phục triệt để. Tương tự, tại Công viên Thủ Lệ, thành phố đã có quyết định phê duyệt xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp khu vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống nên toàn bộ diện tích kinh doanh nhà hàng, quán cà phê hiện nay sẽ bị phá bỏ; sau khi xây xong bãi đỗ xe ngầm, phần trên mặt đất sẽ là hệ thống vườn hoa, cây xanh…
Đây là những thông tin vui và là những bước đi cụ thể trong nỗ lực xây dựng Thủ đô “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”, nhằm mang đến môi trường sống tốt hơn cho người dân.