Doanh nghiệp (DN) tư nhân khó tham gia, trong khi việc huy động vốn xã hội hóa không hiệu quả khiến nhiều dự án cải tạo, xây mới chung cư (CC) cũ của thành phố bị chậm tiến độ.

Do thiếu vốn đầu tư, CC 727 Trần Hưng Đạo (quận 5) sau hơn 6 năm vẫn chưa khởi công xây mới

Chậm tiến độ dài kỳ

Cách đây nhiều năm, lô IV và VI CC Thanh Ða (Bình Thạnh) đã được các cơ quan chức năng kết luận là hư hỏng nặng. Năm 2010, UBND thành phố đồng ý cho Công ty CP địa ốc Vườn Xanh làm chủ đầu tư dự án xây dựng cụm CC Thanh Đa với quy mô 7,73 ha (bao gồm cả 2 lô CC nêu trên). Thời điểm đó, Công ty Vườn Xanh dự kiến tổng số tiền bồi thường và bố trí tái định cư (TĐC) cho gần 4.300 hộ dân thuộc 2 lô trên khoảng 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo quy hoạch của phường 27, quận Bình Thạnh thì đến năm 2020, dân số quận này chỉ được phép phát triển thêm khoảng 3.300 người nữa. Do đó, các tòa CC xây mới cũng bị khống chế về chiều cao, không thể xây vượt lên 15-17 tầng được. Kết quả sau nhiều năm, Công ty Vườn Xanh vẫn không thể thống nhất được mức giá đền bù cho các hộ dân tại 2 lô trên. Trong khi đó, tình trạng xuống cấp ở 2 lô CC này ngày càng nghiêm trọng và hàng trăm hộ dân ở đây vẫn chưa biết số phận mình sẽ ra sao.

Tình trạng tương tự như trên xảy ra tại CC 727 Trần Hưng Ðạo (quận 5). Từ năm 2008, gần 600 hộ dân tại CC này đã được lệnh phải di dời khẩn cấp để cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5 (CTCI) thực hiện phá dỡ, xây dựng mới. Tuy nhiên, 6 năm qua do thiếu vốn đầu tư, CTCI không thể thực hiện di dời và xây mới CC. Trong khi đó, hàng trăm hộ dân đã di dời trước đó, do không có chỗ ở mới đành quay trở lại nhà cũ của mình, bất chấp nguy cơ có thể cháy nổ, lún sụt, nguy hại đến tài sản và tính mạng. Đến tháng 1/2014 vừa qua, UBND TP. HCM đã buộc phải chấp thuận cho CTCI thoái vốn tại các dự án thương mại để dồn sức vào dự án xây mới CC 727, đồng thời cho phép chủ đầu tư hợp tác với 2 DN khác là Công ty Bất động sản (BĐS) Sanny, và Công ty TNHH BĐS Tam Đức để thực hiện dự án này. Theo dự kiến, dự án CC 727 sẽ khởi công vào quý I/2014 và hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên hiện nay, công tác di dời vẫn chưa thực hiện xong.

Đó chỉ là ví dụ về 2 trong số hơn 200 dự án cải tạo CC cũ mà hầu hết đang bị bế tắc và quá chậm tiến độ hiện nay tại TP.HCM.

Bế tắc vốn cải tạo

Theo khảo sát, hiện nay hầu hết các CC cũ đang buộc phải giải tỏa, xây dựng lại trên địa bàn TP.HCM đều do các công ty dịch vụ công ích của quận đảm nhiệm, nhưng các đơn vị này đa số không đủ nguồn lực về tài chính nên quá trình triển khai các dự án đều bị chậm lại. Cụ thể, từ năm 2006 tới nay, TP.HCM có trên 200 dự án cải tạo, xây mới CC cũ đang thực hiện dang dở. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của trên 120.000 hộ dân.

Ông Nguyễn Thành Phương- Giám đốc CTCI- cho rằng, nguyên nhân của việc thiếu vốn cải tạo CC cũ là do việc xã hội hóa nguồn vốn tại các dự án này không hiệu quả. Theo các quy định tại Nghị định 71 của Chính phủ, để chọn được nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu. Trong khi đó, hiện nay hàng loạt dự án nhà ở thương mại đang “đắp chiếu” chưa biết đến khi nào mới được chuyển đổi qua dự án nhà ở xã hội để giải phóng hàng tồn kho, nên có rất ít DN quan tâm đến những dự án cải tạo CC cũ.

Ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM- nhìn nhận, theo luật quy hoạch xây dựng mới, khi xây căn hộ từ 50 m2 trở lên phải có công viên, công trình công cộng. Nhưng đa số các CC cũ tọa lạc tại các quận trung tâm không có diện tích rộng. Để có lãi, buộc DN phải xây thêm tầng. Tuy nhiên, nếu làm như vậy sẽ vướng vào luật quy hoạch, xây dựng, chưa kể đến quy định giới hạn dân số, gây áp lực giao thông khu vực. Điều này đã khiến nhà đầu tư không mặn mà, DN vì thế mà bế tắc vốn cho việc cải tạo.

Thùy Dương (Công Thương)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.