Ngày 15-1, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, đồng thời triển khai phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 ngành tài nguyên môi trường, Sở TN-MT TPHCM cho biết, nhiều điểm nóng về môi trường và đất đai trên địa bàn thành phố đã được xử lý. 

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM chuyển hóa bãi rác Đông Thạnh thành khu nông nghiệp công nghiệp cao

Nhiều vướng mắc được tháo gỡ

Theo ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở TN-MT, sở đã tham mưu báo cáo UBND TP về kế hoạch đấu giá 9 lô đất (6,92 ha) thuộc khu chức năng số 1 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 và tình hình bán đấu giá 953 căn hộ chung cư xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Sở cũng kiến nghị thành phố phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất của 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3, phường An Khánh và 5 lô đất thuộc khu đất 38,4 ha phường Bình Khánh, quận 2.

Sở đã trình UBND TP xem xét quyết định ban hành quy chế phối hợp trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn thành phố. Sở còn thực hiện tư vấn thẩm định giá đất các khu đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phục vụ công tác đấu giá, xác định nghĩa vụ tài chính khi giao đất…

Về công tác thu hồi đất, thành phố đã quyết định thu hồi 7 khu (24,11 ha) tại quận 2, 3, 4, 6, 8 và huyện Hóc Môn và công bố chủ trương thu hồi 4 khu (0,13 ha) tại quận 2 và huyện Bình Chánh. Thành phố cũng đã tiếp nhận 16 khu đất (167,38 ha) tại quận 2, 4, 7, 8, 9 và huyện Bình Chánh, Hóc Môn.

Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện đề án giải pháp tạo quỹ đất theo quy hoạch kế hoạch sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và tổ chức kiểm tra thực địa hiện trạng sử dụng đất đối với các khu đất tại quận 3, 5, Gò Vấp; phối hợp với Ban Bồi thường quận 9, huyện Nhà Bè giải quyết những tồn đọng, vướng mắc tại các dự án bồi thường do Trung tâm Phát triển quỹ đất làm chủ đầu tư…

Ở lĩnh vực môi trường, sở theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang đốt phát điện và phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục theo quy định để đẩy nhanh tiến độ thi công các nhà máy đốt rác phát điện. Sở đã vận động được hơn 2 triệu hộ dân ký bản cam kết không xả rác bừa bãi; lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 13.501 trường hợp với số tiền phạt hơn 25 tỷ đồng… Đến nay, toàn thành phố đã chuyển hóa được 825/825 điểm ô nhiễm về rác thải.

Đánh giá về những hiệu quả đạt được, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, những khó khăn trong công tác cấp giấy chứng nhận trên địa bàn thành phố đã được tháo gỡ kịp thời. Điều này giúp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận, nhất là các vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở.

Việc xử lý các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai thực hiện tồn tại trong thời gian dài đến nay đã được xử lý dứt điểm. Thành phố cũng là địa phương duy nhất trên cả nước có bộ bản đồ địa chính số đạt độ chính xác cao. Việc xã hội hóa ngành đo đạc bản đồ đã đem lại nguồn nhân lực, vật lực lớn với công nghệ mới được đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước. Riêng lĩnh vực môi trường, tuy có chuyển biến nhưng hiệu quả còn hạn chế, cần khắc phục, nhất là những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho rằng, để nâng cao chất lượng quản lý lĩnh vực TN-MT, cần thiết phải hoàn thiện hạ tầng trang thiết bị. Sở đã đề xuất cấp kinh phí đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, phần mềm quản lý cho hệ thống văn phòng đăng ký đất đai nhưng vẫn còn kéo dài. Việc sớm bố trí nguồn kinh phí đầu tư này sẽ tạo đều kiện để sở triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình trọng điểm

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoà Bình cho biết, TPHCM có quy mô dân số rất lớn. Điều này tạo thách thức rất lớn đến chất lượng môi trường, hạ tầng đô thị của thành phố. Năm 2021, thành phố đã đưa ra chủ đề là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Do vậy, đồng chí Lê Hòa Bình yêu cầu Sở TN-MT tập trung thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, tham mưu xây dựng kế hoạch sử dụng đất thành phố giai đoạn 2021-2025, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến tài chính đất đai, hoàn thiện phần mềm giá đất.

Triển khai thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn; giải quyết các dự án trọng điểm, cấp bách, khiếu nại đông người tại các dự án.

riển khai đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn; rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất. Tổ chức công bố và hướng dẫn triển khai đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và đề án mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường; xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030.

Sở TN-MT cũng được yêu cầu phải tiếp tục vận động tốt đường dây thu gom rác dân lập hình thành hợp tác xã, doanh nghiệp, từng bước cải thiện chất lượng, trang thiết bị thu gom rác thải. Tiếp tục triển khai Chỉ thị 19/CT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Cuộc vận động người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch đã góp phần đưa công tác bảo vệ môi trường của thành phố ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh Chương trình Cải cách hành chính và phấn đấu nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh, nhất là trong lĩnh vực đất đai, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo cải cách hành chính.

Ái Vân (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.