Trong bối cảnh thị trường dồn sự chú ý vào khu vực phía Đông, vẫn có nhiều nhà đầu tư quyết định "ngược sóng", rót vốn vào khu Tây bởi sức hút từ hạ tầng, dân số và mức giá bất động sản có phần dễ chịu hơn.

Tăng tốc mọi nguồn lực

Vài năm trở lại đây, hạ tầng giao thông của khu Tây đang tiến gần đến mức độ hoàn thiện với sự hiện diện của các công trình giao thông trọng điểm như quốc lộ 1A, đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, quốc lộ 50, cao tốc TP.HCM - Trung Lương (đã kéo dài đến Mỹ Thuận) hay trong tương lai là tuyến Metro 3A (Bến Thành - Tân Kiên), tuyến buýt nhanh BRT số 1, tuyến đường sắt cao tốc 10 tỷ USD TP.HCM - Cần Thơ,…

Địa ốc Tây Sài Gòn đón cơ hội từ tuyến buýt nhanh số 1 (Ảnh: VnExpress)

Đáng chú ý, TP.HCM vừa quyết định tái khởi động tuyến buýt nhanh BRT số 1, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, đi qua địa bàn các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Điểm đầu tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (quận 2). Sau khi bến xe Miền Tây mới (huyện Bình Chánh) hoàn thành, lộ trình tuyến sẽ được nối dài đến bến xe này.

Có thể nhận thấy, việc quy hoạch bài bản hệ thống hạ tầng giao thông tại Tây Sài Gòn không chỉ giúp việc di chuyển, kết nối khu vực với trung tâm và liên tỉnh trở nên vô cùng thuận lợi mà còn mang đến “đòn bẩy” lớn cho bất động sản khu vực này.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng vào khu Tây để đón đầu cơ hội khi hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, nhu cầu người mua bất động sản tăng cao nhờ mặt bằng giá hợp lý và dành cho nhu cầu ở thực sự. Cùng với đó là việc thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này trong làn sóng dịch chuyển sản xuất thời gian qua.

Cụm Y tế Kỹ thuật cao Tân Kiên (Bình Chánh) với quy mô 74 ha

“Nếu nghĩ rằng thành phố đang chỉ tập trung đầu tư cho khu Đông và bỏ quên khu Tây là cách hiểu không đúng. Bởi, nhiều bệnh viện lớn hàng đầu của TP.HCM đã được xây dựng ở khu Tây và theo lộ trình vài năm tới, Bình Chánh sẽ trở thành quận”, ông Châu nói.

Song hành cùng sự phát triển hạ tầng và tiện ích xã hội, tỷ lệ tăng dân số cơ học cùng mật độ nhập cư lưu trú tăng nhanh khiến vấn đề nhà ở càng trở nên cấp thiết ở khu Tây TP.HCM. Nhu cầu ở thực cao đã thu hút khá nhiều “ông lớn” trong thị trường bất động sản, giúp diện mạo khu Tây từng ngày hiện đại hơn, nhưng đồng thời cũng tạo nên kỳ vọng lớn đến giá nhà đất tại khu vực trong tương lai.

“Cú hích” trung tâm hành chính

Ngoài hạ tầng giao thông xã hội hoàn thiện, khu Tây còn được thúc đẩy bởi cú hích về quy mô hành chính. Định hướng phát triển đến năm 2020-2025 của 3 huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, TP.HCM đặt mục tiêu nâng chất từ huyện thành quận. Trong đó, huyện Bình Chánh hiện cơ bản hội tụ đủ các tiêu chí để thành quận như cơ cấu kinh tế, thu nhập, dân số, cơ sở hạ tầng,…

Trung tâm hành chính Bình Chánh (Tân Túc) với đầy đủ tiện ích công

Nhìn từ thành công của Phú Mỹ Hưng hay Thủ Thiêm, Bình Chánh xác định trong lộ trình lên Quận, khu trung tâm hành chính là đòn bẩy quan trọng và là chiến lược dài hơi đã được địa phương xây dựng từ nhiều năm qua.

Toàn khu hành chính tọa lạc tại trung tâm thị trấn Tân Túc, được quy hoạch khoa học với hàng loạt tiện ích công dày đặc bao gồm UBND, chi cục thuế, trụ sở công an, bệnh viện, trường mầm non, nhà thiếu nhi, công viên kiểu mẫu rộng 2ha,...

Bao quanh khu vực này nhanh chóng hình thành các cung đường thương mại sầm uất, đắt giá nhất phải kể đến đường Nguyễn Hữu Trí, đường Tân Túc (rộng 6 làn xe).

Với hấp lực từ đô thị kiểu mẫu, hàng loạt dự án lớn đang có xu hướng dịch chuyển về trung tâm hành chính Bình Chánh, tạo ra chuỗi đô thị hóa hiện đại, liên hoàn.

Điều này đồng nghĩa, khi Bình Chánh lên Quận, khu trung tâm hành chính sẽ là tâm điểm bùng nổ tất cả loại hình dịch vụ, tập trung dân cư đông đúc, kích thích thị trường bất động sản tăng trưởng vượt bậc.

Chỉ tính riêng từ đầu năm nay, sau khi chủ trương lên quận của Bình Chánh được thành phố chấp thuận, nhà đất Bình Chánh đã có biến động mạnh. Ghi nhận từ năm 2018, giá đất trung bình ở Bình Chánh khoảng 28 triệu đồng/m2.

Đến thời điểm hiện tại, giá đất đã tăng lên hơn 40 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Một số nơi như Bình Hưng hiện trung bình là 80 triệu đồng/m2 (khu Trung Sơn lên tới 130 triệu đồng/m2). Dù vậy, giá nhà đất Bình Chánh vẫn đang nằm trong vùng “trũng” và có nhiều dư địa tăng giá cao.

Theo dự báo, nguồn cung nhà ở tại TP.HCM trong năm 2021 vẫn sẽ tiếp tục hạn chế do không nhiều dự án mới mở bán. Theo đó, tại khu Tây hiện cũng chỉ có một số dự án mới “bung hàng” trước bối cảnh khan hiếm nguồn cung và được đánh giá có lợi thế lớn về sức mua lẫn giá bán. Đơn cử như dự án Westgate với quy mô 3,1 ha, cung ứng cho khu Tây TP.HCM gần 2.000 căn hộ 2-3 phòng ngủ.

Ông Trần Quang Khánh, chuyên gia BĐS từng nhấn mạnh, sự khác biệt lớn so với khu Đông – Nam, nơi chuyên phát triển BĐS cao cấp phục vụ giới đầu tư và tầng lớp trung lưu trở lên là thị trường khu Tây lại có đặc tính chậm nhưng chắc, bền vững hơn vì đa phần phục vụ nhu cầu ở thật.

Theo đại diện JLL Việt Nam, những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính sẽ đầu tư theo cách phân tán rủi ro, bỏ tiền ở khu Đông một ít, khu Tây một ít. Ở thị trường còn tiềm năng, giá còn “mềm” chắc chắn nhà đầu tư sẽ kiếm lợi nhuận nhiều hơn, có thể gấp 2-5 lần khi dự án hình thành. Còn ở khu vực đã có quá nhiều nhà đầu tư, chắc chắn nguồn sinh lợi sẽ không bằng các thị trường có nhiều tiềm năng trong tương lai.

PV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.