Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về diện tích nhà ở tối thiểu của Sở Xây dựng TP.HCM là chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Theo đề xuất mới của Sở Xây dựng TP.HCM, mỗi người phải có chỗ ở 20m2, nghĩa là với một gia đình có 4 người, diện tích chỗ ở tối thiểu phải là 80m2 thì mới có thể được thường trú ở TP.HCM.

Chỗ ở này có thể là thuê, mượn hoặc ở nhờ. Trên thực tế, quy định về diện tích nhà ở đủ điều kiện nhập khẩu đã có từ năm 2010. Khi đó, diện tích đủ điều kiện nhập khẩu chỉ là 5 m2/người, bằng 1/4 đề xuất của Sở Xây dựng thành phố hiện nay.

Đề xuất về diện tích nhà ở tối thiểu của Sở Xây dựng TP.HCM đã gặp nhiều ý kiến trái chiều bởi nhiều hộ không thể có đủ điều kiện. Họ chấp nhận ở trong không gian chật hẹp và cũng không cần có hộ khẩu. Vì thế, đề xuất này sẽ khó tác động đến nhiều hộ gia đình.

Với 13 triệu người, trong đó có gần 8 triệu dân thường trú và 5 triệu dân tạm trú, TP.HCM là địa phương có dân số đông nhất trên cả nước. Bình quân mỗi năm thành phố tăng thêm khoảng 200.000 người dân, trong đó có hơn 65% là người nhập cư.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia đô thị và xã hội học, đề xuất mới về diện tích chỗ ở tối thiểu sẽ không ngăn được số lượng dân di cư vào khu vực đô thị, ngược lại còn gây phát sinh tiêu cực.

Theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 nhiệm kỳ 2015 - 2020, diện tích nhà ở bình quân của người dân thành phố đến năm 2020 là 19,8 m2/người. TP.HCM cũng đang tìm biện pháp kéo dãn dân khỏi trung tâm thành phố và hạn chế người nhập cư tập trung ở khu vực trung tâm. Tuy nhiên, đề xuất diện tích chỗ ở 20 m2/người có lẽ chưa phải là giải pháp căn cơ và phù hợp hiện nay.

VTV News
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.