TP.HCM sẽ di dời khoảng 20.000 hộ dân sinh sống ven kênh rạch.
Sáng 7/10, Bộ Xây dựng kết hợp với Sở Xây dựng TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM” với 4 nội dung chính: di dời nhà ven kênh rạch; xây dựng, thay thế chung cư cũ; chỉnh trang nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; và phát triển các khu đô thị đồng bộ, văn minh.
Trong đó, hai nội dung được quan tâm nhất đó là di dời nhà ven kênh rạch và xây dựng, thay thế chung cư cũ.
Gỡ vướng cải tạo chung cư cũ
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện thành phố có 1.244 chung cư, trong đó có gần 500 chung cư cũ cần được cải tạo, xây dựng mới. Phần lớn những chung cư này được xây dựng từ giữa năm 1960 cho tới nay. Trong đó có khoảng 106 chung cư, nhà tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, nhiều chung cư nằm trong tình trạng nguy hiểm cần tháo dỡ di dời khẩn cấp như 727 Trần Hưng Đạo (quận 5), chung cư Cô Giang (quận 1), chung cư lô 4, lô 6 Thanh Đa (quận Bình Thạnh)…
Theo kế hoạch đưa ra, đến năm 2015, thành phố sẽ di dời, tháo dỡ 70 chung cư cũ với 7.249 hộ dân đang sinh sống và sửa chữa 3 lô chung cư với quy mô 10.000 m2 sàn. Đồng thời sẽ khởi công xây dựng mới thay thế 61 chung cư cũ với quy mô khoảng 9.870 căn hộ, tương đương 901.696 m2 sàn.
Tuy nhiên, kế hoạch này không được như mong đợi, tới nay thành phố chỉ mới triển khai di dời, tháo dỡ và xây dựng lại được 46 khối nhà chung cư, trong đó đã hoàn thành 19 khối với quy mô 2.462 căn hộ.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nêu nguyên nhân gây chậm trễ trong xây mới cải tạo chung cư cũ đó là thiếu quy hoạch đồng bộ, thiếu vốn, quỹ đất, thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư, tại nhiều chung cư cũ người dân thiếu sự hợp tác khiến công tác giải tỏa, di dời kéo dài rất nhiều năm…
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, để đẩy mạnh chương trình tháo dỡ, cải tạo xây mới chung cư cũ nên triển khai theo nhiều hướng: di dời tái định cư người dân với quỹ nhà dùng để tái định cư đã được xây dựng hoàn thiện trước, nhà tái định cư này cần đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối thuận tiện hoặc sử dụng nhà ở xã hội để tái định cư.
Ông Nam cho rằng, nên đấu giá đất/dự án tại vị trí cũ để bù đắp chi phí. Làm như vậy, có thể đảm bảo được lợi ích 3 bên, người dân sẽ có quyền chủ động lựa chọn nơi tái định cư, doanh nghiệp thì không mất nhiều thời gian giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án; chính quyền sẽ giải quyết được nhu cầu chỗ ở cho người dân, kết hợp chỉnh trang đô thị mà không bị sức ép lên hạ tầng.
Ngoài ra, để thu hút doanh nghiệp tham gia vào đầu tư xây mới chung cư cũ chính quyền thành phố cần tạo nguồn lực, xây dựng những cơ chế riêng đồng thời rà soát cải cách lại thủ tục hành chính.
Cần 26.000 tỷ di dời 20.000 hộ dân sinh sống ven kênh rạch
Ông Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND quận 4 cho biết, trên địa bàn quận hiện có một số lượng khá lớn hộ dân sinh sống dọc ven kênh rạch cần được di dời giải tỏa. Tuy nhiên, hiện công tác này gặp rất nhiều vướng mắc về phương án giải tỏa, di dời, tái định cư.
Theo ông Quân, một trong những vướng mắc lớn nhất đó chính là số tiền hỗ trợ cho người dân trong các trường hợp này thường rất ít, không đảm bảo để người dân có thể tìm kiếm chỗ ở mới, trong khi nhiều dự án tái định cư lại nằm quá xa trung tâm thành phố, chất lượng không đam bảo do đó phần lớn người dân không đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
“Trong hơn 1.000 căn nhà ven kênh, rạch tại quận 4 thì tới 40% là nhà nhỏ, có diện tích 10-20 m2. Như vậy, mỗi hộ dân chỉ nhận được tiền bồi thường trên dưới 100 triệu đồng, trong khi lại có tới 5-10 nhân khẩu/hộ, thì làm sao đủ tiền mua nhà tái định cư”, ông Quân nói.
Theo Tiến sĩ Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM, thành phố hiện có khoảng 20.000 hộ dân sinh sống ven kênh rạch cần phải giải tỏa, di dời. Để thực hiện được đề án này cần khoảng 26.000 tỷ đồng tiền vốn. Để huy động nguồn vốn này, thành phố có thể thực hiện theo 3 giải pháp gia tăng nguồn vốn là: tăng cường nguồn thu cho ngân sách thành phố; thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); và triển khai các giải pháp tạo nguồn thu, huy động mới.
Để tăng ngân sách cho thành phố, ông Quốc cho rằng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như phân cấp nguồn thu, quản lý, khai thác tốt hơn nguồn tài sản nhà nước như sắp xếp bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, riêng việc cổ phần hóa 54 doanh nghiệp nhà nước đã có thể tạo hơn 35.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, xin thu một số loại thuế đặc thù như thuế cải thiện, bán quyền phát triển và phí tác động như thương lượng phân chia giá trị đất gia tăng do Nhà nước đầu tư hạ tầng, mức phí chủ đầu tư phải đóng cho Nhà nước khi được tăng hệ số sử dụng đất...
Ông Quốc nhận định, nếu tính tổng đầu tư cho các nguồn lực xã hội giai đoạn 2016 - 2020 thì TP cần đến 1,8 triệu tỉ đồng.
-
Cổ phiếu Đất Xanh giảm giá kịch sàn
Kết thúc phiên sáng ngày 24/12, cổ phiếu DXG của Đất Xanh Group giảm kịch sàn về mức giá 16.450 đồng/cổ phiếu, với khối lượng dư bán 3 triệu đơn vị.
-
Phát Đạt dự chi tối đa 650 tỷ đồng mua khu đất vàng của một cá nhân tại TPHCM
Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR, sàn HoSE) vừa thông qua nghị quyết về việc mua tài sản là bất động sản tại số 61 Cao Thắng, phường 3, quận 3, TP.HCM.
-
Những dự án hạ tầng giao thông quan trọng nào tại TP.HCM về đích năm 2024?
Trong năm 2024, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng tại TP.HCM hoàn thành đưa vào khai thác. Ân tượng nhất trong số này là tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Tuyến metro đầu tiên của TP.HCM phải mất 17 năm để hoàn thành kể từ ngày được phê...