Khu đất 27B Nguyễn Đình Chiểu có diện tích trên 5.006m2, toạ lạc ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu và Đinh Tiên Hoàng, được coi là đắc địa. Năm 1994, VNA cùng với công ty S.M.I. Travel Company Limited (Thái Lan) thành lập công ty liên doanh TNHH Khách sạn hàng không Việt Nam, để xây dựng một khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế bốn sao và kinh doanh các dịch vụ khách sạn. Năm 1995, công trình được khởi công. Năm 1998 khi công trình xây dựng thô được đến tầng thứ năm thì ngưng. Năm 2000, phần vốn của công ty Thái Lan chuyển nhượng lại cho VNA thành doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam. Tuy nhiên, công trình sau đó bị bỏ hoang cả gần mười năm trời.
Năm 2007, để tránh bị UBND TP.HCM thu hồi vì chậm triển khai, VNA cùng bốn công ty khác, trong đó có IMG góp vốn thành lập công ty AH JSC để thực hiện dự án khách sạn năm sao. Theo IMG, trong công ty cổ phần này, VNA góp 60% vốn điều lệ, IMG góp 36%. Trong bản cam kết góp vốn thể hiện IMG và ba cổ đông khác trong AH JSC góp bằng tiền thì VNA góp vốn bằng phần đầu tư dở dang, tức phần xây thô của toà nhà năm tầng trên khu đất.
Theo IMG, phần tài sản dở dang này của VNA đã được định giá bởi công ty dịch vụ kiểm toán và tư vấn UHY với giá trị là trên 58 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình góp vốn, VNA lại sử dụng kết quả định giá nội bộ của VNA trong báo cáo tài chính năm 2000 là trên 8,9 triệu USD để làm cơ sở xác định giá trị góp vốn. Và VNA đã sử dụng 3,6 triệu USD trong tổng số 8,9 triệu USD nói trên để góp vốn vào AH JSC, tương đương 60% vốn điều lệ. Phần dư còn lại VNA cho AH JSC trả chậm thông qua hợp đồng nhận nợ giữa VNA và AH JSC ký kết ngày 15.8.2007. Tuy nhiên, IMG cho biết, cho đến nay, VNA chưa thực hiện bất kỳ thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu nào đối với tài sản của VNA tại khu đất cho AH JSC như thoả thuận. Vì VNA chưa chuyển tài sản cho AH JSC nên trong quá trình thực hiện dự án, các cơ quan chức năng vẫn cho rằng chủ đầu tư thực hiện dự án là VNA, chứ không phải AH JSC. “Trong khi đó, VNA đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện dự án, kéo dài tiến độ, dẫn đến tình trạng dự án có khả năng bị thu hồi, gây thiệt hại cho các cổ đông”, một vị đại diện của IMG nói.
Theo vị này, IMG và ba nhà đầu tư nhỏ hơn đã bỏ vốn vào dự án khoảng 50 tỉ đồng và còn phải gánh khoản nợ 4,5 triệu USD cho VNA với lãi suất 6% năm, tỷ giá thời điểm ký kết chỉ là 16.000 đồng/1 USD nay đã lên 22.000 đồng/1 USD, thiệt hại cho IMG là vô cùng lớn. Trong khi đó, ngày 31.12.2011 là thời điểm cuối mà VNA cam kết với UBND TP.HCM sẽ hoàn tất công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư để thực hiện dự án.
Xem lại tính pháp lý Luật sư Mạnh Cường, đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết bản chất của sự việc là VNA bán tài sản trên đất gắn liền với đất với giá 8,9 triệu USD cho AH JSC, chứ không phải góp vốn bằng tài sản trên đất gắn liền với đất. Tuy nhiên, việc VNA bán tài sản trên đất gắn liền với đất tại 27B Nguyễn Đình Chiểu là chưa đúng luật. Bởi lẽ, căn cứ vào điều 44, nghị định 181 năm 2004 của Chính phủ thì để bán tài sản trên đất gắn liền với đất, VNA cần phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu của mình đối với tài sản trên đất gắn liền với đất tại khu đất. Mặt khác, VNA phải thuê một đơn vị độc lập có thẩm quyền và chức năng định giá để định giá tài sản bán. Trong trường hợp này, lẽ ra VNA nên dùng kết quả của một công ty định giá có chức năng (như UHY đã định giá) để tiến hành đấu giá, chứ không được dùng kết quả trong báo cáo tài chính năm 2000 để định giá. Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại điều 6, quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì việc bán tài sản trên đất của VNA phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Và VNA phải bán tài sản trên đất gắn liền với đất thông qua hình thức đấu giá. Luật sư Trần Duy Cảnh, công ty luật Luật Việt cũng cho rằng, việc VNA đem tài sản trên đất đi góp vốn vào AH JSC là trái với quy định của pháp luật. Bởi lẽ, tài sản trên đất của VNA tại khu đất chưa được đăng ký sở hữu theo quy định của pháp luật và được ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, tài sản trên chưa đủ điều kiện để có thể coi là “tài sản gắn liền với đất” để có thể sử dụng làm tài sản góp vốn. Giả thuyết khác, nếu tài sản mà VNA dùng để góp vốn có đủ điều kiện về quyền sở hữu thì khi thực hiện nghĩa vụ góp vốn vào AH JSC, VNA phải chuyển quyền sở hữu tài sản cho AH JSC theo quy định của luật Doanh nghiệp năm 2005. Do vậy, khi VNA chưa thực hiện nghĩa vụ góp vốn của mình, tài sản của VNA chưa được đưa vào AH JSC và đăng ký quyền sở hữu dưới tên AH JSC thì VNA chưa trở thành cổ đông của AH JSC. Theo luật Doanh nghiệp, VNA đã vi phạm nghĩa vụ góp vốn của cổ đông. Do vậy, các quyền của VNA liên quan đến việc góp vốn của mình, kể cả quyền được đòi nợ dựa trên giá trị góp vốn chênh lệch, chưa phát sinh và không thể áp dụng với các đối tác trong AH JSC. Nói cách khác, nghĩa vụ thanh toán nợ của IMG trong trường hợp này cũng không tồn tại. |