05/06/2014 3:57 PM
TP.HCM ưu tiên vốn cho các công trình giao thông trọng điểm mang tính cấp bách trong thời gian tới.
Nửa năm 2014 gần đi qua, TP.HCM tiếp tục ưu tiên vốn cho các công trình giao thông trọng điểm mang tính cấp bách và có khối lượng hoàn thành cao nhằm sớm đưa thêm nhiều công trình vào hoạt động, góp phần đồng bộ hạ tầng giao thông, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra.

Dồn vốn vào các công trình giao thông
Theo kế hoạch đề ra của Sở GTVT TP, các công trình giao thông có nhu cầu sử dụng từ nguồn vốn ngân sách hơn 7.000 tỷ đồng; vốn ODA hơn 2.300 tỷ đồng trong năm 2014.

Bên cạnh đó, các công trình đầu tư theo các hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao)... có nhu cầu vốn hơn 3.600 tỷ đồng; các quận, huyện trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng công trình giao thông khoảng 4.000 tỷ đồng.

Sắp tới, TP.HCM sẽ dồn vốn hoàn thiện các dự án giao thông trọng điểm

Với số vốn trên, đến hết năm 2014, ngành giao thông thành phố phấn đấu sẽ tăng thêm 45 km chiều dài đường với diện tích khoảng 397.000 mét vuông.

Thành phố sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành các công trình điểm như: Tỉnh lộ 10B (quận Bình Tân); đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đoạn quận Thủ Đức); đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình); các tiểu dự án (DA) xây dựng bờ kè kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh); nâng cấp đường Nguyễn Thị Thập (quận 7)... Tuy nhiên, ưu tiên của thành phố vẫn dành cho các dự án có khối lượng hoàn thành cao và cấp bách.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, thành phố phấn đấu sẽ đưa vào sử dụng các công trình cấp bách đúng kế hoạch như: 6 cây cầu mới (Kênh Lộ, Phước Lộc, Lê Văn Sỹ, Kiệu, Bông và Hậu Giang); nạo vét luồng Soài Rạp; đường đường Vành đai 2; nâng cấp và mở rộng quốc lộ 13...
Thực tế đến nay, khoảng 50% khối lượng công việc đã hoàn thành. Cụ thể, DA nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2 (huyện Nhà Bè) hoàn thành và đón tàu trên 50.000 tấn vào luồng, đảm bảo đồng bộ hạ tầng đường thủy cửa ngõ thành phố.
Về tiến độ xây dựng cầu, ông Vương Hoàng Thanh, Phó giám đốc Ban quản lý DA nâng cấp đô thị thành phố cho hay, ngoài cầu Lê Văn Sỹ (quận 3, bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) hoàn thiện hơn 1 tháng nay thì dự kiến vào ngày 7-6 tới thành phố tiếp tục cho thông xe đối với cầu Bông (quận 1 nối Bình Thạnh) và Hậu Giang (quận 6) sau gần 6 tháng thi công.
Dự kiến cầu Kiệu cũng sẽ xong trong thời gian tới, và khi đó, hạ tầng giao thông khu vực nội đô sẽ dần đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Cũng theo ông Cường, khó khăn lớn nhất trong thời gian tới là nguồn vốn đầu tư, nếu không được bổ sung kịp thời sẽ rất dễ kéo theo một số công trình kéo dài, khởi công xây dựng chậm so với kế hoạch.
Tìm nguồn vốn đầu tư
Trước lo lắng trên, mới đây, UBND TP có văn bản về việc tạm ứng hơn 100 tỷ đồng vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách và có khối lượng hoàn thành cao. Trong đó, tạm ứng 200 triệu đồng cho các tiểu DA xây dựng bờ kè chống sạt lở kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh) nhằm tiến hành bồi thường, GPMB đảm bảo đúng tiến độ; 26 tỷ đồng cho dự án đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và một số dự án hạ tầng đường bộ thuộc diện ưu tiên khác.
Ngoài ra, UBND TP cũng có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất vay gần 1,2 tỷ USD từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài khóa 2015-2017 nhằm thực hiện các DA hạ tầng giao thông đúng tiến độ quy hoạch.
Cụ thể, xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn); bổ sung khoảng 300 triệu USD cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương); khoảng 260 triệu USD cho dự án xây dựng và hoàn thiện khép kín tuyến đường vành đai 2…
UBND TP cũng chỉ đạo Sở GTVT cần tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Nhanh chóng hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình giao thông trọng điểm.
Đối với lĩnh vực đền bù GPMB các dự án đầu tư, thành phố cam kết sẽ tích cực hỗ trợ nhà đầu tư bằng việc đề xuất Trung ương được giữ lại phần vượt thu theo kế hoạch thu ngân sách hàng năm (khoảng 5.000 tỷ đồng) làm cơ sở chi hỗ trợ lãi suất vay cho nhà đầu tư thực hiện công tác này để có thể giúp các nhà đầu tư triển khai nhanh dự án.
Riêng ngành giao thông thành phố, ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT cho biết, để hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cần tập trung kiện toàn chính sách bồi thường GPMB theo hướng thủ tục đơn giản, gọn, nhẹ; hợp tác với các tổ chức tài chính để bảo lãnh vay cho nhà đầu tư.
Đối với những công trình cấp thiết cần có hướng xem xét, hỗ trợ lãi vay cho nhà đầu tư, miễn giảm tiền sử dụng đất…

Theo ông Cang, để có thể đạt được các mục tiêu trên, nhiệm vụ trọng tâm của Sở GTVT là tập trung rà soát, đề xuất bổ sung điều chỉnh các cơ chế chính sách, hoàn thiện các quy trình, quy chế nội bộ kêu gọi đầu tư sao cho phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là các cơ chế đãi ngộ và tạo môi trường thông thoáng.

Tuấn Hưng – Sỹ Hưng (VTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.