07/06/2016 10:52 PM
Sáng ngày 6/6, tại buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, các sở, ngành liên quan với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) kiến nghị lãnh đạo Thành phố tháo gỡ nút thắt về thủ tục hành chính khi triển khai xây dựng các khu nhà ở, nhất là nhà ở xã hội.

Thành phố cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để BĐS phát triển lành mạnh - Ảnh: Q.Hòa

Chẳng hạn, Nhà nước đang khuyến khích DN đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội nhưng lại không có cơ chế hỗ trợ. Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành bức xúc, trong khi quy định DN làm nhà ở xã hội được miễn tiền xây dựng hạ tầng cơ sở nhưng Lê Thành đầu tư xây dựng nhà ở tại quận Bình Tân lại nhận được văn bản kêu gọi hỗ trợ kinh phí làm hạ tầng khu vực cho quận với lý do là khu nhà ở này tạo thêm áp lực tăng dân số. Theo đó, tổng số tiền mà Lê Thành phải đóng là 12 tỷ đồng, tương ứng với mức chia bình quân 12,3 triệu/người nộp cho quận.

Ông Nghĩa cho biết, khu nhà này sau khi điều chỉnh quy hoạch có số dân 913 người, tăng 400 người so với ban đầu. Trong khi đó, đây là nhà dành cho người nghèo, và DN chỉ được phép thu lợi nhuận từ đầu tư là 10%. Nếu phải đóng 12 tỷ đồng, tính ra lỗ. Do Lê Thành không đồng tình với quyết định ấy nên tới nay đã 18 tháng vẫn chưa giải quyết xong các thủ tục để xây dựng nhà.

Cũng bị vướng vì áp lực tăng dân số mà một khu nhà ở của Bến Thành Land đầu tư xây dựng ở quận 1 đã mấy năm vẫn chưa hoàn tất. Ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch HĐQT Bến Thành Land cho biết, DN xin tách nhỏ khu nhà thành 56 căn hộ nhưng từ 2013 đến nay mới chỉ được điều chỉnh dân số thêm 46 người. Đó là chưa kể, nếu muốn biết dân số trên địa bàn hiện tại bao nhiêu, DN phải thuê cơ quan thống kê làm.

Theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025, dân số của TP.HCM sẽ là 12,5 triệu người, trong đó 10 triệu người ở ổn định lâu dài, 2,5 triệu dân vãng lai. Tuy nhiên, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự dịch chuyển dân cư từ các tỉnh về TP.HCM khá đông nên cần có sự tính toán khoa học hơn thay vì khống chế ở con số 12,5 triệu dân.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, hiện nay quy hoạch về dân số của các quận, huyện rất lạc hậu. Đơn cử như quận Bình Thạnh, theo tính toán quy mô dân số là 560.000 người đến năm 2020, nhưng hiện nay dân cư sinh sống trên địa bàn đã quá con số trên.

Vấn đề là các cơ quan quản lý phải có sự bình đẳng trong giải quyết quyền lợi của nhà đầu tư BĐS không để xảy ra trường hợp có dự án mật độ dân số quá cao hoặc có dự án xin chia tách lại không được chấp nhận.

Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo các sở, ngành phải nhanh chóng giải quyết các vướng mắc mà DN đang vấp phải. Thành phố cam kết luôn đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để BĐS phát triển lành mạnh. Song song đó, DN cần tiếp tục nâng cao năng lực, nghiên cứu kỹ thị trường, tìm hiểu các chương trình đột phá của Thành phố để có thể tham gia.

Sắp tới đây, định kỳ mỗi quý lãnh đạo UBND Thành phố sẽ chủ trì họp với HoREA và các sở, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Các sở, ngành phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch và công bố công khai, rà soát lại các dự án tính đến thời điểm hiện nay để điều chỉnh bổ sung cho phù hợp.

Trong tháng 6 này, phải xây dựng cơ chế đặc thù để tháo dỡ chung cư cũ nát, xây chung cư mới, trong đó Sở Xây dựng phải đưa ra tiêu chuẩn, quy chuẩn để đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù, trên cơ sở đó khuyến khích khu vực tư nhân tham gia.

Lê Vân (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.