31/10/2024 3:28 PM
Sáng 31/10, UBND TP.HCM đã tổ chức phiên họp Thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM tháng 10, 10 tháng năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2024.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Dũng cho biết phiên họp sẽ nghe báo cáo tóm tắt chung về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và tập trung thảo luận nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung để hoàn thành một số vấn đề trọng tâm sao cho thực hiện bằng được mục tiêu tăng trưởng của TP đạt từ 7-7,5%.

TP.HCM đã giải ngân hơn 17.200 tỷ đồng vốn đầu tư công- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Dũng phát biểu mở đầu phiên họp. Ảnh: Cổng TTĐT TP.HCM

Báo cáo kết quả kinh tế-xã hội, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Phạm Trung Kiên cho biết, trong 10 tháng năm 2024 UBND TP đã tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến và đạt một số kết quả tích cực, thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng và phát triển.

Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm, thị trường xuất khẩu trên địa bàn tiếp tục gặp nhiều khó khăn… là những thách thức đối với doanh nghiệp.

Kết quả thực hiện giải ngân đầu tư công còn chậm so với kế hoạch, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và vốn đăng ký, thu hút đầu tư nước ngoài giảm so với cùng kỳ…

Đến nay, TP đã giải ngân hơn 17.200 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 21,8% kế hoạch được giao, thấp hơn mục tiêu 29% đặt ra hồi đầu năm.

Theo ông, nguyên nhân chính là TP.HCM đã bổ sung nguồn vốn đầu tư công trung hạn lớn theo Nghị quyết 98 từ giữa năm 2023, khiến nhiều dự án chỉ mới hoàn thành các thủ tục đầu tư mà chưa đến giai đoạn giải ngân. Dự kiến, các dự án sẽ đẩy mạnh tiến độ vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, ông cho biết một số dự án cũng gặp vướng mắc do thay đổi các quy định pháp luật như Luật Đất đai và Luật Đấu thầu, dẫn đến việc điều chỉnh kế hoạch, hồ sơ mời thầu và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Hiện TP.HCM có khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công vướng mắc tại khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, điển hình là các dự án lớn như Rạch Xuyên Tâm và Bờ Bắc Kênh Đôi. Hiện nay, các địa phương cùng Sở Tài nguyên và Môi trường đang bổ sung nhân lực, rà soát pháp lý để quyết tâm giải ngân trong phần còn lại của năm.

Làm rõ về các dự án còn vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết, năm 2024, toàn địa bàn có 176 dự án thuộc nhóm này. Trước tháng 9, tổng vốn dự kiến bố trí chỉ hơn 21.000 tỷ đồng.

“Khi Luật Đất đai mới có hiệu lực, một số dự án đã tăng tổng mức đầu tư do đi kèm các quy định, chính sách hỗ trợ thêm hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng vốn cho các dự án này tăng lên hơn 32.000 tỷ đồng”, ông Võ Trung Trực thông tin.

Lãnh đạo Sở Sở Tài nguyên và Môi trường chia sẻ thêm, do lường trước Luật Đất đai 2024 sớm được áp dụng, thành phố đã tạm ngưng thực hiện một số dự án. Bởi, Luật Đất đai 2024 sẽ tác động rất lớn đến trường hợp bị ảnh hưởng, có một số điểm ưu việt trong hỗ trợ người dân.

Khi Luật Đất đai mới đã được áp dụng, TP.HCM và các sở, ngành, địa phương sẽ tập trung giải ngân hơn 32.000 tỷ đồng đối với nhóm dự án này trong tháng 11 và tháng 12. Đến cuối kỳ giải ngân, các dự án nhóm này sẽ đạt hơn 96% theo kế hoạch.

Ngoài ra, TP.HCM còn một số dự án cần xin ý kiến các cơ quan Trung ương nên tốc độ giải ngân chưa đạt tiến độ mong muốn. Một số dự án điển hình trong nhóm này là công trình giải quyết ngập do triều có tính tới biến đổi khí hậu, dự án metro số 1. Nhóm dự án này chiếm khoảng 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của thành phố.

Phương Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.