Những năm gần đây, hàng loạt cao ốc, dự án bất động sản… ồ ạt mọc lên trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM. Điều này đang dần khiến giao thông, đường sá còn rất ít khoảng không “để thở”.
Trước thực trạng đó, ngành giao thông TP đang tìm cách buộc dự án, công trình phải có đánh giá tác động giao thông trước khi triển khai xây dựng.
Đường hết chỗ “thở” vì cao ốc
Ở TP.HCM, không khó để nhận thấy có những con đường “cõng” đến mấy chục cao ốc, dự án chung cư, trường đại học.
Đơn cử là tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ (nối quận 7 và huyện Nhà Bè) với hàng chục cao ốc san sát nhau khiến giao thông từ trung tâm về khu nam TP luôn là nỗi ám ảnh với người dân, nhất là vào giờ tan tầm.
Hàng loạt cao ốc được xây dựng trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7). Ảnh: HUY VŨ
“Đi làm về mà đi đường này thì không khác gì tham gia chiến trận. Muốn qua cầu Kênh Tẻ thì phải nhích như rùa bò, rất mệt mỏi nhưng lỡ mua nhà bên đây rồi nên cũng đành chịu” - anh Thanh Nhật, một người dân sống trên đường này cho biết.
Ngoài các dự án chung cư từ cao cấp đến trung cấp ken đặc đoạn từ cầu Kênh Tẻ tới giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, còn có thể kể đến hàng loạt trường đại học nằm dọc tuyến này như ĐH Cảnh sát, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Sài Gòn, ĐH Marketing… Đồng thời, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại cũng thi nhau mọc lên ở khu vực này.
Tương tự, một con đường chưa đầy 2 km là Bến Vân Đồn (quận 4) cũng “cân” hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn.
Cụ thể, mặt tiền con đường ven sông này có hàng chục dự án chung cư, trung tâm thương mại như Vạn Đô, Khánh Hội 1, Khánh Hội 2, Gold View, Saigon Royal Residences, Masteri Millennium, Orient Apartment, tòa cao ốc REE, trung tâm thương mại nhà hàng tiệc cưới Riverside Palace... Chưa kể gần con đường này có hàng chục khu chung cư đã đưa vào sử dụng từ trước như H1, H2, H3, Tôn Thất Thuyết, Galaxy 9, Khánh Hội...
Trong những năm gần đây, đường Phổ Quang (quận Tân Bình) cũng lần lượt mọc lên những khu chung cư cao cấp. Khu vực này thu hút rất đông dân cư, người lao động sinh sống và làm việc. Do đó, con đường chỉ dài vài cây số với hai làn nhỏ nhưng luôn đông nghịt xe, nhất là vào giờ cao điểm.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) thì lâu nay vốn nổi tiếng là “con đường cao ốc” khi hai bên đường hầu như không còn khoảng hở với san sát các dự án chen chúc nhau.
Có thể thấy vòng xoay Công trường Dân chủ (quận 3 và quận 10) trước đây vốn đã thường xuyên kẹt xe, ùn ứ bởi là nơi giao nhau của nhiều tuyến đường huyết mạch như Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai, Võ Thị Sáu... Từ ngày có thêm khu chung cư Hà Đô với hàng ngàn căn hộ và một lượng lớn cư dân sinh sống thì giao thông khu vực này hầu như ngày càng quá tải.
“Các tuyến có nhiều chung cư, cao ốc, trường học… thì vào giờ cao điểm luôn ùn ứ giao thông. Chúng tôi phải thường xuyên điều tiết giao thông vào thời điểm đó. Nếu tình hình ùn tắc nghiêm trọng thì phải có thêm tổ tuần tra kiểm soát hỗ trợ” - một CSGT thuộc Đội CSGT Bến Thành cho biết.
Buộc có đánh giá tác động giao thông
“Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP về việc các công trình như khu dân cư, dự án chung cư, cao ốc, trung tâm thương mại… thuộc phạm vi địa bàn TP đều phải thực hiện công tác đánh giá tác động giao thông” - ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM (thuộc Sở GTVT), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Theo ông Đường, sau khi có đánh giá tác động giao thông của công trình, Sở GTVT sẽ có góp ý và báo cáo với cơ quan thẩm định cấp phép dự án như Sở Xây dựng, Sở QH-KT. Trong báo cáo tác động giao thông đó, Sở GTVT sẽ đưa ra cảnh báo hoặc đánh giá về giao thông của dự án, nếu dự án không đảm bảo thì phải có giải pháp để đảm bảo giao thông.
“Nếu các sở khác đồng ý cho triển khai dự án sau khi có báo cáo về tác động giao thông thì phải đề xuất các giải pháp để khi phát triển dự án không làm ùn tắc thêm cho khu vực. Các giải pháp có thể là phân kỳ đầu tư hay như thế nào đó để khi gắn dự án vào, hạ tầng giao thông phải đáp ứng được” - ông Đường phân tích.
“Hiện Sở GTVT đã trình UBND TP xem xét, phê duyệt đề xuất trên. Sau khi được UBND TP đồng ý mới bắt đầu triển khai thí điểm trên địa bàn TP” - ông Đường thông tin.
Sở GTVT TP.HCM cho biết thêm: Chủ đầu tư dự án phải tự tổ chức thực hiện hoặc thuê tổ chức tư vấn có năng lực thực hiện đánh giá tác động giao thông và chịu trách nhiệm trước pháp luật về độ tin cậy của báo cáo đánh giá tác động giao thông. Chi phí thực hiện báo cáo đánh giá tác động giao thông do chủ đầu tư dự án chi trả.
Ông Ngô Quang Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng khi đánh giá tác động giao thông với các dự án ở tương lai thì cần lưu ý câu chuyện quy hoạch của hạ tầng và quá trình làm pháp lý dự án.
“Một dự án làm pháp lý hiện nay ở TP.HCM có khi cần đến 3-4 năm nên chúng ta cần có tầm nhìn xa hơn. Ví dụ, sau vài năm nữa thì con đường nhỏ đó có được mở rộng theo quy hoạch, đồng thời là quy hoạch hạ tầng của khu vực sẽ đáp ứng như thế nào trong những năm tới” - ông Phúc phân tích.
Ngoài ra, ông Phúc cho rằng khi đánh giá tác động giao thông của dự án thì cần làm một cách hài hòa. Vì sự phát triển của các dự án cũng là đảm bảo nhu cầu nhà ở cho người dân và giải bài toán hạ tầng cần sự tham gia của nhiều phía.•
Hạn chế làm nhà cao tầng ở trung tâm TPSở Xây dựng TP.HCM cũng vừa có báo cáo UBND TP về đề án “Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030”. |
-
Ai đứng sau doanh nghiệp vốn 300 triệu muốn “hồi sinh” cao ốc 5.000 tỷ?
CafeLand - Mới đây Công ty CP Di sản quốc tế Hồ Tràm đề xuất với UBND TP.HCM về việc đầu tư dự án tòa nhà Cao ốc Sài Gòn M&C (Saigon One Tower) tại mặt đường Tôn Đức Thắng, quận 1.