CafeLand – Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị chức năng nhanh chóng thực hiện việc di dời cải tạo, xây mới các chung cư cũ trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân.

Một góc của chung cư 727 tại quận 5.

Sáng 20/5, Bí thư Đinh La Thăng có buổi làm việc với lãnh đạo quận 5, trong đó nêu bật vấn đề quan trọng là việc di dời, cải tạo các chung cư cũ, có nguy cơ đổ sập trên địa bàn quận. Đại diện lãnh đạo quận 5 cho biết, trên địa bàn quận có có 222 chung cư, nhà tập thể đang xuống cấp, cần sửa chữa, trong số này có tới 106 chung cư, nhà tập thể có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Nguyễn Văn Danh hiện tòa thành phố có 474 chung cư xuống cấp. Theo kế hoạch, trong năm 2016 hoàn thành kết quả kiểm định. Riêng quận 5, trong năm 2016 phải kiểm định ít nhất 9 chung cư cấp độ thấp.

Tại quận 5, chung cư 727 (Trần Hưng Đạo) được xem là chung cư có tuổi thọ lâu đời và hiện đang xuống cấp trầm trọng nhất. Được xây dựng từ năm 1975, chung cư 727 là một trong những tòa nhà cao tầng đầu tiên của thành phố. Hiện khu chung cư này đã cũ nát, các hạng mục đều hư hỏng nặng. Đa phần các hộ dân sinh sống trong chung cư đã được di dời đi nơi khác. Tuy nhiên, hiện vẫn có người bám trụ sinh do bất đồng việc đền bù giải tỏa.

Bí thư Thăng chỉ đạo, tiến độ công tác di dời, cải tạo và xây mới chung cư cũ hiện nay còn quá chậm, các địa phương cần phải chủ động đẩy nhanh nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. “Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ. Giống như cầu Ghềnh, bao nhiêu năm không làm. Khi sập một cái thì làm ầm ầm ngay, 300 tỉ đồng và trong 3 tháng. Đừng để chung cư cũ giống như cái này”, Bí thư Thăng nói.

Thực tế mối quan tâm của Bí thư thành ủy về giải quyết chung cư cũ tại thành phố đã được nhiều lần đề cập trong các buổi làm việc trước đây của ông. Thậm chí, ông Thăng cũng đã trực tiếp đi thị sát tình hình ở chung cư Cô Giang (quận 1), đây là một trong những chung cư lâu đời và đang xuống cấp trầm trọng tại khu vực trung tâm thành phố.

TP.HCM là đô thị có mật độ chung cư tập trung lớn nhất của cả nước, trong đó có không ít chung cư có tuổi thọ hàng chục năm, xuống cấp đe dọa mạng sống của hàng ngàn hộ dân. Tuy nhiên, để cải tạo, xây mới những chung cư này vẫn là bài toán nan giải của Thành phố.

Cụm chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh) là một trong những chung cư có tuổi đời lâu nhất và đang xuống cấp trầm trọng. Quần thể này gồm 23 lô chung cư được xây dựng từ năm 1960. Hiện tại, hai lô 4 và 6 xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập nên các hộ dân đã được di dời đi nơi khác.

Ngay tại khu vực trung tâm thành phố số lượng chung cư cũ nát cần đạp bỏ, cải tạo cũng rất lớn. Tính riêng trên địa bàn quận 1 còn 89 chung cư xây dựng trước năm 1975 hiện đã cũ, trong số đó có 6 chung cư kiểm định đã xuống cấp, mất an toàn.

Mặc dù, việc xây mới cải tạo chung cư cũ là cấp bách nhưng nhiệm vụ này vẫn gặp bế tắc về chính sách và không khiến cho các doanh nghiệp mặn mà đầu tư.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ đã giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc cho phép điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất, chiều cao công trình, giúp làm tăng diện tích sàn xây dựng, diện tích căn hộ, về cơ bản đã tạo ra cơ chế, chính sách khả thi hơn trước để xây dựng lại nhà chung cư cũ hư hỏng nặng. Tuy nhiên, quy định này chưa đủ, chưa khả thi, chưa thu hút được các nhà đầu tư vì còn thiếu yếu tố về chỉ tiêu dân số để có thể tăng thêm số căn hộ hợp lý giúp nhà đầu tư thu hồi vốn. Do đó, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành Thông tư bổ sung thêm "chỉ tiêu dân số" khi xét duyệt dự án, và quy định nguyên tắc xác định giá bán căn hộ mua thêm của các hộ ghép theo giá kinh doanh phải được nêu rõ ngay từ đầu trong dự án xây dựng lại chung cư, để tránh trường hợp sau này chủ đầu tư đẩy giá bán lên quá cao, ngoài sức chịu đựng của các hộ ghép là bên yếu thế so với chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, việc xây mới, cải tạo chung cư cũ xuống cấp là vấn đề cực kì cấp bách vì nó liên quan tới sinh mạng hàng trăm con người. Nhiều doanh nghiệp cũng muốn tham gia đầu tư xây mới chung cư cũ nhưng vì quá rắc rối nên họ không thể triển khai.

Cũng theo ông Đực, có 2 nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc đầu tư xây dựng chung cư mới trên nền chung cư cũ. Thứ nhất là khó khăn từ phía người dân trong diện giải tỏa, nhiều người dân đòi hỏi quá cao, thậm chí là gấp hai gấp ba lần giá trị thực căn nhà mà họ đang ở. Thứ hai là xuất phát từ phía chính quyền. “Các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc vận động người dân di dời, giao đất sớm cho doanh nghiệp. Mặt khác cũng cần có những cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này”, ông Đực nói.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.