CafeLand – Sau khi hoàn thành và đi vào sử dụng Bến xe miền Đông mới được kỳ vọng sẽ giảm tải cho bến xe hiện nay và điều tiết lượng lớn phương tiện giao thông vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, dự án này đang thi công ì ạch so với dự kiến ban đầu.

Hình phối cảnh Bến xe miền Đông mới.

Mới đây, UBND TP.HCM đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bến xe miền Đông mới có diện tích hơn 16ha, nằm ở phường Long Bình, quận 9, TP.HCM và phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Theo đó, phía Đông Bắc bến xe miền Đông mới giáp khu dân cư hiện hữu, phía Tây Nam giáp đường số 13, phía Đông Nam giáp khu dân cư xây dựng mới và phía Tây Bắc giáp xa lộ Hà Nội. Diện tích khu đất phù hợp quy hoạch đã trừ lộ giới các đường, hẻm liên quan và hành lang an toàn kỹ thuật theo quy hoạch là hơn 160.370 m2 (diện tích thuộc tỉnh Bình Dương là 37.259 m2, phần còn lại nằm trên địa bàn TP.HCM).

Công trình gồm bốn khu A, B, C, D; trong đó, khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với công trình cao nhất có 26 tầng, có diện tích hơn 122.000 m2 (chiếm hơn 76% tổng diện tích); khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); và khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng).

Dự án xây dựng Bến xe miền Đông mới được giao cho Tổng công ty TNHH một thành viên Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) làm chủ đầu tư với tổng số vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Được biết, từ năm 2011, bản quy hoạch hoạch chi tiết 1/500 của Dự án xây dựng Bến xe miền Đông mới đã được Bộ Xây dựng chấp thuận với số tiền đầu tư dự kiến ban đầu là 1.500 tỷ. Theo đó, để thực hiện dự án thì chủ đầu tư phải thực hiện đền bù và di dời 31 hộ dân và 5 doanh nghiệp nhà nước nằm khu vực của dự án với tổng kinh phí khoảng gần 900 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư ban đầu dự kiến được huy động từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay dự án vẫn ì ạch ở khâu giải phóng mặt bằng và số vốn đội lên thêm 2.500 tỷ.

Có mặt tại địa điểm thi công của dự án ngày 10/3, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn dang dở. Phía trước mặt đường xa lộ Hà Nội nhiều hộ dân vẫn sinh sống, các cơ sở kinh doanh vận tải vẫn hoạt động sôi nổi. Phía bên trong có một vài người nhưng không có dấu hiệu thi công, dự án vẫn đang ngổn ngang, một số khu vực đã được san ủi, số đang để cỏ mọc um tùm, có khu vực vẫn còn lởm chởm dấu tích của các căn nhà bị đập bỏ…

Chị Hiền, một người dân gần dự án cho biết, mặc dù đã giải tỏa nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa xong. Dự án thi công cầm chừng, chỉ lác đác một vài công nhân, phương tiện làm việc.

Theo dự kiến ban đầu, Bến xe miền Đông mới sẽ được xây dựng trong năm 2015 và hoàn thành vào năm 2018 đi vào hoạt động đồng bộ cùng với tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Tuy nhiên, với tiến độ thi công ì ạch như hiện nay liệu dự án có về đích theo đúng kế hoạch?.

Những hình ảnh ghi nhận tại khu vực sẽ là Bến xe miền Đông mới:

Ảnh thực tế khu vực sẽ xây dựng Bến xe miền Đông mới.

Dự án hiện vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.

Bến xe miền Đông mới sẽ giải thoát bến xe hiện tại khỏi tình trạng quá tải.

Những ngôi nhà bị đập bỏ nhường chỗ cho dự án.

Dự án được giao cho Tổng Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) làm chủ đầu tư.

Dù được chấp thuận từ năm 2011 nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể xây dựng.

Một mặt của bến xe sẽ giáp với xa lộ Hà Nội.

Bễn xe miền Đông mới nằm gần kề với nhà ga cuối của tuyến Metro số 1.

Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng cùng với tuyến metro.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.