CafeLand – Trong năm 2016, TP.HCM đã đề xuất, chấp thuận đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm nhằm phát triển hơn nữa tình hình kinh tế - xã hội của thành phố. Sau đây là một số những dự án tiêu biểu:

Dự án cầu Cát Lái được Thủ tướng đồng ý xây dựng là sự kiện nổi bật trong năm 2016.

5.700 tỷ xây dựng cầu thay phà Cát Lái

Cầu Cát Lái (nối TP.HCM với Đồng Nai) dự kiến sẽ là cầu dây văng có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4 km (riêng cầu khoảng 3,4 km) tối thiểu 4 làn xe, cầu có tĩnh không 55 mét. Điểm bắt đầu từ nút giao Mỹ Thủy (quận 2, TP.HCM) và điểm cuối cách bến phà hiện hữu khoảng 1,2 km thuộc xã Phú Hữu, Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Dự kiến, tổng kinh phí đầu tư khoảng 5.700 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay và lợi nhuận đầu tư); chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 1.225 tỉ đồng.

Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép xây dựng. Theo đó, việc xây cầu Cát Lái để thay thế phà sẽ tạo sự thông thoáng cho luồng xe container ra vào cảng Cát Lái, rút ngắn thời gian đi lại giữa TP.HCM với Đồng Nai. Đồng thời, cầu sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông ở phà Cát Lái.

6.273 tỷ đồng làm 35 km đường Vành đai 4

Theo văn bản trình Chính phủ xin chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 (đoạn từ Bến Lức (Long An) đến đường trục Bắc – Nam thuộc khu công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè, TP.HCM) dự án này sẽ được đầu tư theo phương thức BOT với số vốn 6.273 tỷ đồng (trong đó chi phí giải tỏa mặt bằng là 492 tỷ đồng).

Về quy mô dự án, điểm đầu tại nút giao Bến Lức thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An và kết thúc tại đường trục Bắc Nam thuộc khu công nghiệp Hiệp Phước, TP.HCM với chiều dài 35,8 km.

Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào quý 1-2017 và hoàn thành sau 30 tháng thi công.

Theo chính quyền TP.HCM, việc đầu tư hơn 35 km đường Vành đai 4 sẽ thúc đẩy sự liên kết vùng giữa TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế của TP.HCM đối với khu công nghiệp Hiệp Phước.

Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 197,6 km, tổng vốn đầu tư khoảng 98.537 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí xây cầu vượt) được xây dựng bằng các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn từ khai thác quỹ đất dọc tuyến đường đi qua và vốn huy động từ tư nhân.

Chỉ định thầu xây cầu Thủ Thiêm 4

Trong năm qua, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thành phố chỉ định nhà đầu tư triển khai dự án cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức xây dựng – chuyển giao (hợp đồng BT) với tổng vốn đầu tư khoảng 5.254 tỷ đồng. Đây là cây cầu kết nối giao thông khu đô thị Nam Sài Gòn và khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Chi tiết, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ có tổng chiều dài khoảng 2.160 mét, cầu chính từ bờ quận 7 qua đến hết cầu phía quận 2 với 6 làn xe. Đướng dẫn trên đường Nguyễn Văn Linh bố trí từ trước nút giao Nguyễn Văn Linh - cầu Tân Thuận 2 với 4 làn xe ...

Tổng mức đầu tư dự kiến là 5.254 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí lãi vay trong quá trình thi công, các chi phí tài chính có liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn vốn và lợi nhuận của nhà đầu tư. Các chi phí này sẽ được xác định trong quá trình thương thảo, đàm phán hợp đồng BT.

Theo văn bản kiến nghị ngày 3-6 của UBND thành phố, hiện nay có liên danh gồm Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620, và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng 168 đã đề xuất thực hiện dự án xây cầu Thủ Thiêm 4.

3.500 tỷ đồng làm cầu giảm ùn tắc khu Nam

Dự án cầu, đường Bình Tiên băng qua đại lộ Đông - Tây, kênh Tàu Hủ, kênh Đôi nối quận 6 và 8 được đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, bằng hình thức xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT).

Trong quyết định lựa chọn nhà đầu tư vừa được UBND TP.HCM phê duyệt, dự án xây cầu đường Bình Tiên được chia làm 2 đoạn, thực hiện từ năm 2016 đến 2020 nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, cải thiện điều kiện dân sinh khu vực phía Nam thành phố.

Đoạn từ đường Phạm Văn Chí (quận 6) đến Tạ Quang Bửu (quận 8) do liên danh gồm 2 công ty đầu tư sẽ xây cầu vượt kênh Tàu Hũ, kênh Đôi với chi phí khoảng 2.605 tỷ đồng; trong đó có 925 tỷ đền bù giải phóng mặt bằng.

Do dự án được làm theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), chính quyền TP.HCM cho phép nhà đầu tư được thanh toán 40% chi phí thực hiện dự án bằng khai thác các khu đất thuộc phường 6, 14, 15 (quận 8) và các khu đất khác nếu chưa đủ cân đối; số còn lại ngân sách thành phố trả.

Đoạn thứ 2 từ đường Tạ Quang Bửu (quận 8) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) dài gần 1,9 km sẽ do liên danh khác đầu tư với vốn hơn 900 tỷ đồng; trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 200 tỷ. Nhà đầu tư thu hồi vốn bằng hình thức khai thác các khu đất dọc tuyến cầu đường Bình Tiên và một số khu đất khác.

Theo thiết kế trước đây, cầu Bình Tiên (bao gồm cả đường dẫn) dài khoảng 3,2 km, rộng 30-40 m với 4 làn xe trên tuyến chính và các đường hai bên. Điểm đầu kết nối với đường Phạm Văn Chí, băng qua đại lộ Đông - Tây, kênh Tàu Hủ, kênh Đôi (quận 8) và điểm cuối kết nối với đường Nguyễn Văn Linh tại vị trí cách Quốc lộ 50 hiện hữu khoảng 600 m về phía cầu Bà Lớn trên địa bàn huyện Bình Chánh.

18.000 tỷ đồng xây dựng đường trên cao quanh sân bay Tân Sơn Nhất

Trong năm 2016, TP.HCM cũng có văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương, ủy quyền cho thành phố chịu trách nhiệm duyệt phương án và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đường bộ trên cao số 1 với tổng vốn đầu tư và giải phóng mặt bằng 18.000 tỉ đồng để giúp giảm kẹt xe ở khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo đó, tuyến đường bộ trên cao số 1 có lộ trình bắt đầu từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa – Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện – Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu – Phan Xích Long rồi giao với đường Điện Biên Phủ.

Tại đây, tuyến đường bộ trên cao số 1 sẽ được tách làm 2 nhánh. Một nhánh lên xuống tại khu vực nút giao đường Điện Biên Phủ và nhánh còn lại sẽ kéo dài theo đường Ngô Tất Tố, kết thúc trước cầu Phú An.

Tổng chiều dài của tuyến đường là 9,5 km và rộng 17,5m. Giá trị xây lắp đường bộ trên cao số 1 khoảng 15.000 tỷ đồng. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Chủ đề: Các dự án BT, BOT,
Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.