Nhiều giải pháp xử lý các dự án chậm tiến độ đã được đặt ra tại hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đầu tư xây dựng trên địa bàn TP. Huế vừa diễn ra đầu tháng 8.
Dự án khách sạn Đông Dương (số 2 Hùng Vương, TP. Huế) suốt hơn 10 năm qua vẫn còn bỏ hoang, dù nằm ở vị trí “khu đất
vàng”
Dự án chậm tiến độ còn nhiều
Tính đến cuối tháng 7, TP. Huế giải ngân cho công tác đầu tư công gần 98/225 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 43% kế hoạch. Theo Phòng Tài chính kế hoạch TP. Huế, lý do chậm giải ngân vốn đầu tư cơ bản là do các công trình chậm tiến độ. Theo đó, có 42 dự án chậm giải ngân, với tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó có 37 dự án giải ngân dưới 30%.
Đặc biệt là các công trình, dự án như hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Kim Long giai đoạn 5 khối lượng chỉ đạt 60%, chậm 1 tháng, kè hồ Phú Cát khối lượng đạt 75%, chậm 4 tháng.
Ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhiều công trình cũng chậm tiến độ từ 1-4 tháng như Trường Tiểu học Phú Cát, các hạng mục của Trường THCS Chu Văn An, Trường THCS Tôn Thất Tùng, Trường Tiểu học Phước Vĩnh... Còn Trường mầm non và Tiểu học Phú Thuận đã có kế hoạch đầu tư từ đầu năm nhưng đến nay vẫn chưa được khởi công.
Ngoài ra, còn nhiều dự án chậm về công tác chuẩn bị, đầu tư, tư vấn thiết kế khiến kế hoạch giải ngân bị gián đoạn như Trường mầm non An Đông giai đoạn 2, Nhà làm việc của Công an TP. Huế...
Đối với lĩnh vực văn hóa, bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP. Huế cho hay, hiện công tác lập quy hoạch hệ thống nhà văn hóa các phường chưa đạt tiến độ. Bà Dao đề nghị các phường nhanh chóng gửi văn bản liên quan để Phòng Văn hóa thông tin sớm hoàn thành quy hoạch trình các cấp phê duyệt để làm cơ sở thực hiện trong thời gian tới.
Tại hội nghị, hầu như ở đơn vị, phòng ban nào cũng có dự án chậm tiến độkhi báo cáo công tác thực hiện đầu tư các công trình dự án từ ngân sách Nhà nước.
Cao ốc hơn 100 tỷ đồng tại số 2 đường Nguyễn Tri Phương vừa được chuyển sang nhà đầu tư khác để xây dựng bệnh viện
Hiến kế nhiều giải pháp
Nhiều giải pháp khả thi để đẩy nhanh tiến độ các dự án công trình đầu tư từ vốn ngân sách đã được nêu lên tại hội nghị. Giảp pháp mạnh nhất là nếu đến 30/9 mà các chủ đầu tư giải ngân chưa tới 50% kế hoạch vốn và không bố trí vốn với các dự án giải ngân dưới 30% thì điều chuyển vốn. Ngoài ra, một số ý kiến đã được các đại biểu trình bày.
Theo Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ và xây dựng công trình tỉnh Thừa Thiên Huế Bùi Xuân Chiến, không nên dàn trải nguồn vốn, chỉ nên tập trung một số công trình cần thiết để đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó, cần kiểm tra chất lượng vật liệu đầu vào để đảm bảo chất lượng công trình.
Ông Chiến cho rằng, đối với các công trình đường giao thông thì muốn ít ảnh hưởng đến giao thông vừa tăng hiệu quả, năng suất lao động cũng như chất lượng công trình, nên thi công vào ban đêm, độ từ 8-12 giờ đêm.
Ông Hoàng Việt Trung- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm, TP. Huế nên xem xét công bố danh sách các dự án chậm tiến độ trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các trang web liên quan để người dân theo dõi và giám sát.
“Các đơn vị thi công cũng như chủ đầu tư các công trình dự án cần linh động trong việc xử lý các vấn đề phát sinh, không nhất thiết hạng mục gì cũng đợi lập dự toán báo cáo, điều chỉnh, như thế sẽ kéo dài tiến độ không cần thiết...”- ông Trung đề nghị.
Ông Nguyễn Văn Thành- Chủ tịch UBND TP. Huế yêu cầu các cơ quan ban ngành cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý, thực hiện đầu tư các dự án từ ngân sách. Cần thiết phải nghiên cứu xem xét để lựa chọn các phương án thi công tối ưu nhất để vừa đảm bảo chất lượng, đạt tiến độ mà không phát sinh thêm chi phí.
Thế Anh (TNMT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.