Công trường xây ga ngầm Nhà hát Thành phố của tuyến Metro số 1 Bến Thành Suối Tiên. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Các tuyến đường sắt đô thị đều có bãi xe (xe buýt, taxi, xe máy), riêng tuyến số 1 sẽ có cầu bộ hành kết nối Xa lộ Hà Nội với các bến xe để thuận tiện cho hành khách. Ga cuối cùng tuyến số 1 sẽ được kết nối về sau với mạng lưới các tuyến metro của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Tuyến số 1 là dự án có tổng mức đầu tư 2,46 tỷ USD từ vốn vay 2,2 tỷ USD ODA của JICA (Nhật Bản). Dự án có năm gói thầu chính, trong đó gói thầu 1b là xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son, gói thầu số 2 là xây dựng đoạn trên cao và depot dài hơn 17km đang được thi công. Gói thầu số 3 là mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng đã ký hợp đồng với nhà thầu Hitachi; phía Nhật Bản đảm nhận việc đóng đầu máy toa tàu, sau đó vận chuyển về Việt Nam.
Tuy nhiên, vì là tuyến metro đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung nên thiết kế về đầu tàu, màu sắc, nội thất… phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa về nước".
Đối với tuyến số 1, hiện còn một trường hợp trên địa bàn Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương chưa bàn giao mặt bằng; chính quyền tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định cưỡng chế, dự tính trong tháng 3/2015 sẽ có mặt bằng. Do sự chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng nói trên đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án (dự kiến tuyến số 1 sẽ vận hành năm 2020), phía nhà thầu có khiếu nại phải bồi thường thiệt hại.
Trong khi đó, tuyến số 2 có tổng mức đầu tư gần 1,4 tỷ USD; trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của KFW (Ngân hàng tái thiết Đức) là gần 241 triệu USD, vốn vay của ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) là 540 triệu USD, của EIB (Ngân hàng Đầu tư châu Âu) là 150 triệu euro, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án đang điều chỉnh thiết kế với các hạng mục hầm và các nhà ga ngầm cho phù hợp với quy hoạch đường Cách Mạng Tháng Tám và Trường Chinh. Vào ngày 15/1 vừa qua đã khởi công gói thầu đầu tiên của tuyến là gói CP1 - Xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương, quận 12.
Một tuyến đường sắt đô thị khác đang được triển khai là Tuyến số 5 (giai đoạn một) hiện đã được thẩm tra vốn với tổng mức đầu tư là hơn 1,3 tỷ euro. Hiện nay đề cương điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thuộc tuyến đang được hoàn chỉnh và trình Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, sau đó sẽ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận trình Thủ tướng phê duyệt.
Đối với các tuyến còn lại (Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch có tám tuyến metro và ba tuyến monorail), Ban Quản lý đường sắt đô thị đang phối hợp với các công ty tư vấn trong nước lập dự án đầu tư, dự kiến hoàn tất toàn bộ trong năm 2015 để làm cơ sở cho việc kêu gọi vốn đầu tư, đăng ký vốn ODA./.