25/05/2019 8:17 PM
Ngập nặng tái diễn ở nhiều tuyến đường trên địa bàn TP HCM sau vài trận mưa đầu mùa và dự báo còn tiếp tục "chịu trận" nặng hơn khi mưa lớn đổ dồn.

Khu Thảo Điền (quận 2) - nơi đang bị xem như "rốn ngập" tại TP HCM - liên tục chịu cảnh bì bõm sau vài trận mưa đầu mùa. Một số nơi khác, ngập úng được đánh giá ngày càng nặng, thậm chí tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng... căng thẳng bởi ngập nước. Hàng ngàn tỉ đồng để chống ngập đã bỏ ra, vậy đâu là nguyên nhân?

Ám ảnh đến từng giấc ngủ

Dù trận ngập trong cơn mưa ngày 12-5 đã qua hơn chục ngày nhưng người dân ở mặt tiền hay trong hẻm thuộc các tuyến đường Quốc Hương, Tống Hữu Định, đường số 41 (phường Thảo Điền, quận 2) nói rằng họ thực sự ám ảnh. "Hễ mưa là ngập. Ngập đến yên xe. Ngập tràn vào nhà. Ngập ngăn việc mua bán. Ngập đi vào giấc ngủ… Người dân than và khổ đến vậy nhưng tình hình chẳng thay đổi" - ông Tùng, nhà ở đường số 41, kể khổ.

Nỗi bức xúc của ông Tùng hoàn toàn chính đáng so với những gì chúng tôi chứng kiến sau trận mưa ngày 12-5. Các tuyến đường Quốc Hương, Tống Hữu Định, đường số 41, nhiều đoạn nước dâng cao hơn 30 cm dù mưa chỉ trong thời gian ngắn. Khốn khổ nhất là đường Quốc Hương, đoạn trước Trường Đại học Văn hóa TP HCM, nước dâng ngập hơn nửa bánh xe. Trước đó 2 ngày, hôm 10-5, dù thống kê cho thấy trận mưa chỉ có vũ lượng khoảng 50 mm nhưng đã khiến cả khu vực Thảo Điền chìm trong nước. "Mưa lớn, đường ngập khiến các căn nhà xung quanh đóng chặt cửa, giao thông hỗn loạn. Xe chết máy, người đi bộ mò mẫm giữa dòng nước, người nước ngoài ngán ngẩm dùng điện thoại chụp hình, quay phim..., chia sẻ trên mạng xã hội" - ông Tùng nói.

Chung cảnh ngộ, trên tuyến Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), mặt đường cũng biến thành sông tại khu vực dưới chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh sau một số trận mưa vừa qua. Người dân nơi đây nói: Vị trí trên thường xuyên ngập nặng nhưng lại không nằm trong phạm vi chống ngập của "siêu máy bơm" vừa được TP HCM thuê mức giá hơn 14 tỉ đồng mỗi năm từ một doanh nghiệp. "Nhiều năm nay, sau mỗi trận mưa lớn, khu vực này lại trở thành nỗi ám ảnh. Ngập tại đây còn làm giao thông tắc nghẽn ở đường Điện Biên Phủ, kéo dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Văn Thánh. Bì bõm lội nước, mắc kẹt giữa dòng xe, chẳng khác gì đánh vật trên đường" - anh Quân (ngụ quận 2) ngán ngẩm.

Tương tự, nhiều tuyến đường khác như Hồ Học Lãm, An Dương Vương, Kinh Dương Vương (quận Bình Tân); Cây Trâm (quận Gò Vấp); Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức) cùng nhiều tuyến đường ở Hóc Môn..., cũng trong tình trạng thường xuyên ngập cục bộ ở một số đoạn khi mưa. Đáng chú ý, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), cũng đang bị đánh giá "căng thẳng" với ngập nước dù khu vực này đã và đang triển khai không ít dự án chống ngập.

Hạ tầng chưa đồng bộ

Tại huyện Hóc Môn, lãnh đạo địa phương này đánh giá ngập úng trên địa bàn ngày càng nặng, năm sau ngập hơn năm trước là do nhiều trục đường chính chưa được đầu tư hoặc đầu tư theo hiện trạng chưa đúng quy hoạch, dẫn đến hệ thống thoát nước không kết nối đồng bộ. Nhiều dự án giảm ngập trên địa bàn huyện này triển khai chậm do bị ảnh hưởng bởi việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết dù một số dự án thoát nước trên địa bàn đã vào sử dụng, tuy nhiên vẫn còn tới 45 điểm ngập cục bộ. Hiện việc giải quyết các điểm ngập phụ thuộc chủ yếu vào tiến độ đầu tư các tuyến trục chính trên địa bàn.

Đường Quốc Hương trong khu Thảo Điền (quận 2) ngập mênh mông sau trận mưa kéo dài chừng 30 phút ngày 12-5

Đối với "căng thẳng" ở sân bay Tân Sơn Nhất, các cơ quan liên quan cho rằng nguyên nhân là do nhiều dự án chống ngập không chỉ đang "bất động", mà còn do cư dân lấn chiếm kênh A41 (1 trong 3 hướng thoát nước chính của sân bay Tân Sơn Nhất), hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ, không kết nối. Ông Hứa Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, khẳng định việc hộ dân lấn chiếm 2 bờ các kênh thoát nước ở khu vực là khá phổ biến, trong khi việc xả rác gây ô nhiễm và tắc nghẽn dòng chảy cũng đáng báo động.

Trong khi đó, bên trong sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 10 đơn vị đang khai thác, song mỗi đơn vị lại xây dựng hệ thống thoát nước riêng, không kết nối với nhau. Một số khu vực địa hình trong sân bay cao hơn bên ngoài nhưng đáy cống thoát nước lại thấp hơn hệ thống cống thoát nước ở ngoài, dẫn đến tình trạng "vênh nhau", nước khó thoát ra, gây ngập khi mưa lớn. Mặt khác, khi cải tạo hệ thống thoát nước, các đơn vị đang khai thác tại sân bay cũng không phối hợp với địa phương. "Cán bộ của UBND quận Tân Bình không thể vào bên trong kiểm tra nên cao độ hệ thống thoát nước giữa bên trong và bên ngoài sân bay bị lệch nhau, làm giảm hiệu quả thoát nước" - ông Hưng nhấn mạnh.

Theo UBND quận Tân Bình, việc đầu tư cải tạo 4 tuyến kênh, mương thoát nước tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất gồm: kênh Hy Vọng, kênh Tân Trụ, kênh A41 và mương Nhật Bản (nhánh 2), UBND TP HCM đã có chủ trương thực hiện. Tuy nhiên, các dự án này đang bị nhiều vướng mắc, khó khăn về nguồn vốn và các thủ tục đầu tư. Trong đó, dự án kênh A41 và mương Nhật Bản (nhánh 2) vẫn đang triển khai công tác bồi thường, dự kiến có mặt bằng thi công vào quý IV/2019. Riêng dự án kênh Tân Trụ và Hy Vọng, hiện chưa được phê duyệt, trong khi tình trạng bức xúc của cử tri, người dân ở khu vực đang ngày càng nhiều.

Lý giải việc TP HCM mới chỉ bắt đầu vào mùa mưa nhưng nhiều khu vực đã bị ngập, theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TP), nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nhiều tuyến đường thấp, trong khi hệ thống cống xuống cấp nghiêm trọng. TP HCM quy hoạch có khoảng 6.000 km cống thoát nước nhưng mới chỉ đạt khoảng một nửa, nhiều tuyến đường chưa có cống thoát nước. Chưa kể, có những tuyến đường như Quốc Hương (trong khu Thảo Điền) thấp hơn cả mực triều cường. Vì vậy, để giải quyết triệt để tình trạng trên thì phải nâng cấp đồng bộ hạ tầng, đồng thời chờ các dự án quy mô lớn hoàn thành.

Gấp rút xóa 2 "rốn" ngập

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng, tại TP HCM hiện đã giải quyết được 22/40 điểm ngập, tuy nhiên đây chỉ là những điểm ngập ở khu vực nội thành hiện hữu, chưa tính đến ngoại thành. Trong giai đoạn 2019-2020, TP HCM đặt mục tiêu sẽ giải quyết 15 điểm ngập gồm: Tân Quý, Lê Đức Thọ, Phan Anh, Bạch Đằng, Huỳnh Tấn Phát, Ba Vân, Mai Thị Lựu, Bàu Cát, Trương Công Định, Quang Trung, Kha Vạn Cân, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam và 2 "rốn" ngập là Nguyễn Hữu Cảnh và khu Thảo Điển.

Riêng 3 điểm ngập Quốc lộ 13, Quốc lộ 1 (quận Thủ Đức) và đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) được giải quyết ngập sau năm 2020 vì trùng với các dự án lớn khác mà TP đang kêu gọi đầu tư.

Cần làm lại quy hoạch

Theo GS-TSKH Lê Huy Bá, ngập tại TP HCM ngày càng nghiêm trọng là hậu quả của quá trình đô thị hóa làm mất đi sự điều hòa tự nhiên, kế đến là quy hoạch thoát nước chưa bài bản và đặc biệt là tình trạng lấn chiếm kênh rạch, xả rác..., làm tắc nghẽn dòng chảy cũng đang phổ biến. Để giải quyết tình trạng trên, ông Bá cho rằng một trong những giải pháp là TP cần mạnh dạn làm hồ điều hòa, tận dụng kênh rạch, công viên..., giúp giảm ngập trong mùa mưa và trữ nước dùng vào mùa khô.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Huy Bá, TP HCM có đặc điểm bán nhật triều, triều cường trên các con sông ở mức cao và khi kết hợp mưa lớn khiến ngập càng trở nên phức tạp. Vì vậy, ông Bá nhìn nhận TP cần làm lại quy hoạch, xác định hệ thống thoát nước, chống ngập mang đặc thù riêng như cống thoát nước phải rộng, tiết diện lớn hơn so với các TP khác. "Riêng sử dụng máy bơm lớn chống ngập chỉ là giải pháp phụ trợ trước mắt bởi lâu dài sẽ có nhiều hạn chế như gây ra sự rung lắc lên hệ thống cống" - ông Lê Huy Bá đánh giá.

Xuân Giang (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.