11/04/2025 6:31 AM
Đất hiếm là khoáng sản quan trọng trong sản xuất thiết bị công nghệ cao như smartphone, pin xe điện, máy bay, công nghiệp quốc phòng... Bạn có biết trữ lượng đất hiếm của Việt Nam đứng thứ mấy thế giới?

Đất hiếm (Rare-earth element - REE) là tên gọi chung của một nhóm 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn, bao gồm Scandi (Sc), Ytri (Y) và 15 nguyên tố của nhóm Lanthan (La, Ce, Pr, Nd, Pm, Sm, Eu, Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm, Yb, Lu).

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, quang điện, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, xúc tác, nam châm, chế tạo vũ khí, thiết bị y tế… do vậy đây được xem là một nguồn tài nguyên rất quý giá.

Triển vọng về đất hiếm được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản về cung và cầu mạnh mẽ khi thế giới hướng tới kỷ nguyên kinh tế mới, tập trung vào năng lượng sạch và những tiến bộ công nghệ.

Việt Nam đứng thứ 6 trong top 8 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới với 3,5 triệu tấn

Top 8 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất

Theo ước tính của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ công bố hồi tháng 2/2025, trữ lượng đất hiếm của thế giới là khoảng 90 triệu tấn. Trữ lượng được đo bằng tấn oxit đất hiếm (REO) tương đương.

1. Trung Quốc - 44 triệu tấn

Là quốc gia dẫn đầu cả về trữ lượng và sản lượng khai thác đất hiếm, Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 44 triệu tấn oxit đất hiếm. Năm 2024, quốc gia này cũng là nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới với sản lượng 270.000 tấn.

Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ ngành công nghiệp này, từ khai thác đến tinh chế, đồng thời liên tục mở rộng kho dự trữ chiến lược.

2. Brazil - 21 triệu tấn

Đứng thứ hai trong danh sách, Brazil sở hữu 21 triệu tấn đất hiếm. Tuy nhiên, quốc gia Nam Mỹ này chỉ khai thác được 20 tấn vào năm 2024, cho thấy tiềm năng phát triển còn rất lớn.

Mỏ Pela Ema tại bang Goiás đã bắt đầu sản xuất thương mại từ năm 2024 và dự kiến đạt công suất 5.000 tấn đất hiếm/năm vào năm 2026. Với nguồn tài nguyên dồi dào và kế hoạch mở rộng khai thác, Brazil có thể trở thành một trong những trung tâm đất hiếm quan trọng trong tương lai.

3. Ấn Độ - 6,9 triệu tấn

Ấn Độ sở hữu khoảng 6,9 triệu tấn đất hiếm và khai thác 2.900 tấn trong năm 2024. Nước này có trữ lượng lớn tại các bãi biển và mỏ cát ven biển, đặc biệt là các mỏ monazite giàu thorium.

Nhằm tận dụng nguồn tài nguyên này, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp đất hiếm, bao gồm phát triển nhà máy chế biến và sản xuất hợp kim.

4. Australia - 5,7 triệu tấn

Với trữ lượng 5,7 triệu tấn, Australia là một trong những nước khai thác đất hiếm lớn nhất ngoài Trung Quốc. Năm 2024, nước này đã sản xuất 13.000 tấn đất hiếm.

Tập đoàn Lynas Rare Earths là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất ngoài Trung Quốc, vận hành mỏ Mount Weld và nhà máy chế biến tại Malaysia. Việc mở rộng nhà máy Mount Weld và khai trương nhà máy Kalgoorlie dự kiến sẽ giúp Australia gia tăng sản lượng trong thời gian tới.

5. Nga - 3,8 triệu tấn

Nga nắm giữ 3,8 triệu tấn đất hiếm, nhưng sản lượng khai thác chỉ đạt 2.500 tấn vào năm 2024. Dữ liệu mới nhất cho thấy trữ lượng của Nga đã giảm mạnh từ 10 triệu tấn năm 2023 xuống mức hiện tại.

6. Việt Nam - 3,5 triệu tấn

Việt Nam sở hữu 3,5 triệu tấn đất hiếm, tập trung phần lớn ở khu vực Tây Bắc và ven biển miền Trung. Con số này giảm mạnh so với trữ lượng 22 triệu tấn được nêu trong báo cáo năm 2024.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt tháng 7/2023, dự tính tổng sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm.

Cụ thể, 2 mỏ được tập trung đầu tư khai thác là mỏ Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái) và mỏ Đông Pao (huyện Tam Đường, Lai Châu).

Tiếp đó, mục tiêu đến 2030 sẽ hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại một số mỏ đất hiếm ở Lai Châu. Thăm dò, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Dự kiến, năm 2030 sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Bái.

Giai đoạn từ 2031-2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1 đến 2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai.

Trong thời gian này, sẽ duy trì hoạt động của các dự án đã đi vào khai thác; đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3-4 dự án khác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

7. Mỹ - 1,9 triệu tấn

Mỹ có trữ lượng đất hiếm khoảng 1,9 triệu tấn. Tuy nhiên, nước này vẫn là nhà sản xuất lớn thứ 2 thế giới, với 45.000 tấn đất hiếm được khai thác vào năm 2024.

Hoạt động khai thác đất hiếm tại Mỹ hiện chỉ diễn ra tại mỏ Mountain Pass ở California, do MP Materials sở hữu.

8. Greenland - 1,5 triệu tấn

Với 1,5 triệu tấn đất hiếm, Greenland có tiềm năng trở thành một trung tâm khai thác quan trọng. Quốc đảo này sở hữu 2 dự án lớn là Tanbreez và Kvanefjeld. Tuy nhiên, việc khai thác vẫn chưa được triển khai do các vấn đề về chính sách và môi trường.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.