Sốt đất đặc khu
Thị trường bất động sản đầu năm 2018 đã chứng kiến nhiều khu vực sốt nóng cục bộ. Tại TPHCM, giá đất tại quận 2, 9, Thủ Đức, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ… đã vọt lên 50-100% so với cuối năm 2016. Thông tin ba khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) dự kiến được quy hoạch thành đặc khu kinh tế là nguyên nhân chính khiến giá đất tại đây liên tục biến động. Trong những tháng đầu năm 2018, cơn sốt đất lên đến đỉnh điểm, khiến thị trường chao đảo.
Cơn sốt đất biến động đến mức khó tưởng tượng. Dòng người đầu tư tấp nập đổ về khiến giá đất liên tục thay đổi theo từng ngày, thậm chí từng giờ. Giá đất tăng cao đã khiến cho tình trạng tự ý phân lô bán nền bùng phát. Một số đối tượng còn chiếm dụng đất rừng, đất nông nghiệp để bán kiếm lời. Thậm chí, tình trạng “giang hồ” xuất hiện, kiếm lời từ bảo kê đất đai cũng xuất hiện.
Để ngăn chặn tình trạng các đầu nậu thao túng gia đất, chính quyền các địa phương Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong buộc phải ban hành các văn bản cấm chuyển nhượng, phân lô bán nền tạm thời. Sau khi Chính phủ và Quốc hội quyết định chưa thông qua Luật Đặc khu, nên bất động sản tại ba khu vực này đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
Vụ cháy tại chung cư Carina
Vụ hỏa hoạn bùng phát giữa đêm khuya ngày 23/3 khiến hàng trăm cư dân tại chung cư Carina Plaza hốt hoảng, làm 13 người chết, 28 người bị thương. Trong tầng hầm, 13 ôtô, 150 xe máy bị thiêu rụi hoàn toàn. Hệ thống chữa cháy tự động trước đó gần như không hoạt động, lực lượng chữa cháy tại chỗ không có, khi lính cứu hỏa đến nơi lửa khói đã rất lớn. Vụ cháy khiến hàng loạt chủ đầu tư ngưng mở bán dự án mới đến giữa năm 2018.
Vụ cháy đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng phòng cháy chữa cháy tại các chung cư hiện nay. Theo báo cáo của Bộ Công an, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra 2.974 vụ cháy, làm chết 81 người, bị thương 198 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 1.564 tỉ đồng. Các vụ cháy tập trung chủ yếu ở địa bàn thành thị (chiếm trên 60% tổng số vụ); cháy nhà dân chiếm tỷ lệ 50%; cháy các cơ sở kinh tế tư nhân chiếm tỷ lệ 35%; còn lại là thành phần kinh tế khác (nhà nước, liên doanh hoặc có vốn đầu tư nước ngoài).
Dòng vốn ngoại đầu tư mạnh vào bất động sản
Khoảng 6,6 tỉ USD vốn FDI chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký đã đổ vào bất động sản Việt Nam năm 2018, đứng thứ hai trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, Nhật Bản đứng đầu trong danh sách các quốc gia, khu vực có dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 8,59 tỉ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,2 tỉ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5 tỉ USD.
Trong số các dự án lớn được cấp giấy nhận đăng ký đầu năm trong năm 2018, có hai dự án ở lĩnh vực bất động sản đó là dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối với tổng vốn đầu tư 4,138 tỉ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… Dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam) do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thừa Thiên Huế với vốn điều chỉnh tăng vốn thêm 1,12 tỉ USD.
Hạn chế xây dựng nhà cao tầng ở trung tâm
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… đã có những chủ trương hạn chế đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng trong trung tâm. Như tại TP.HCM, UBND TP đã có Quyết định 5087 phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2016-2020 để cụ thể hóa các định hướng, chỉ tiêu phát triển nhà ở của Chương trình phát triển nhà giai đoạn 2016-2025.
Đối với khu vực trung tâm hiện hữu (gồm quận 1, quận 3), sẽ phát triển nhà ở có kiểm soát đến năm 2020; không chấp thuận chủ trương, công nhận chủ đầu tư đối với các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở. Trường hợp các dự án nhà ở đã được công nhận, chủ đầu tư tiếp tục thực hiện đầy đủ các thủ tục để đủ điều kiện khởi công, đảm bảo theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Kiểm soát tín dụng vào bất động sản
Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách kiểm soát tín dụng vào bất động sản hợp lý, giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40%. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng vào bất động sản hiện chỉ ở mức 7 - 8% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, tỷ trọng dư nợ thực cho vay bất động sản ước chừng phải lên gần 20%, nếu cộng cả cho vay bất động ẩn nấp trong cho vay tiêu dùng... Điều này rất đáng lo ngại nếu dòng tiền đổ vào có thể bong bóng bất động sản sẽ hình thành vào những năm tới.
Sai phạm đất đai tại Thủ Thiêm
Một trong những sự kiện được chú ý trong năm qua đó là bùng nổ vụ tranh chấp đất tại Thủ Thiêm sau nhiều năm không được giải quyết. Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vi phạm của UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan, sai phạm trong việc điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền, thu hồi đất đối với phần diện tích 4,3ha để thực hiện dự án trong KĐT Thủ Thiêm là chưa đủ cơ sở pháp lý… Việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng chưa phù hợp quy định, UBND TP.HCM cũng đã vi phạm các quy định tại khu tái định cư 160ha…
Sau khi Thủ tướng chỉ đạo thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP nhanh chóng có kế hoạch thực hiện và lắng nghe người dân để bổ sung, hoàn thiện chính sách bồi thường hỗ trợ chính đáng cho bà con. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã tổ chức nhiều lần đối thoại với người dân, để thực hiện lộ trình để giải quyết dứt điểm vấn đề Thủ Thiêm trong năm 2019, không để kéo dài.
Bùng nổ tranh chấp chung cư
Từ đầu năm 2018 đến nay, hàng loạt tranh chấp căng thẳng đã nổ ra giữa cư dân và chủ đầu tư tại nhiều dự án chung cư từ giá rẻ cho đến cao cấp trên địa bàn Hà Nội - TP HCM. Các vấn đề tranh chấp, cư dân bức xúc vì chủ đầu bàn giao nhà không đúng tiến độ, chất lượng căn hộ không đảm bảo, diện tích chung – riêng, phí dịch vụ, phí bảo trì, cơi nới trái phép, PCCC...
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tại TP.HCM hiện có khoảng 1.200 chung cư cao tầng, TP Hà Nội có khoảng 800 chung cư, tổng cộng các thành phố trong cả nước có khoảng 3.000 chung cư. Trong số này có 108 chung cư đang xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, chiếm khoảng 3%.
Cư dân The Park Residence tố chủ đầu tư dính nhiều sai phạm
Mới đây tại TP.HCM, một loạt các tranh chấp giữ cư dân và chủ đầu tư xảy ra tại các chung cư như The Goldview (số 346 Bến Vân Đồn, quận 4), The Park Residence (đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), chung cư La Bonita (đường D2, quận Bình Thạnh),... Tại Hà Nội, một số dự án chung cư bị “bêu tên” nhiều lần trong các tranh chấp, đơn cử như Goldmark City, Hateco Hoàng Mai, Star City 81 Lê Văn Lương, The Morning Star...
-
The Landmark 81 lọt top 10 tòa nhà cao nhất thế giới hoàn thành năm 2018
CafeLand - Theo dữ liệu công bố mới đây của Hội đồng Nhà cao tầng và Môi trường sống Đô thị (CTBUH), tòa nhà The Landmark 81 của Việt Nam lọt vào danh sách 10 tòa nhà cao nhất thế giới hoàn thành năm 2018....
-
Năm 2018, chao đảo trong cơn sốt đất nền
CafeLand – Năm 2018 là một năm có nhiều biến động ở phân khúc đất nền. Từ những cơn sốt cục bộ khắp cả nước đến những chiêu trò, lừa đảo khách hàng của các công ty môi giới địa ốc thiếu chuyên nghiệp....
-
4 khu đất “đình đám” nhất năm 2018
CafeLand – Những khu đất này đều sở hữu vị trí đắc địa tại TP.HCM và có giá trị cao trên thị trường nhưng trong quá trình đầu tư đã để ra nhiều sai phạm như không tổ chức đấu giá, giao đất không đúng quy định. Hàng loạt cựu và lãnh đạo đương chức của...