13/09/2014 1:00 PM
CafeLand – Tuần qua, thị trường nhà đất ghi nhận một số thông tin nổi bật đáng chú ý sau: Báo cáo thị trường căn hộ tháng 8 ; Bất động sản Tân Cường Thành: Giấc mơ đã đến lúc tàn!; Tranh cãi con số 10% căn hộ “mua để ở”; GS. Đặng Hùng Võ: Vốn FDI sẽ đổ mạnh vào bất động sản cuối năm nay;…

Hình minh họa

Bất động sản Tân Cường Thành: Giấc mơ đã đến lúc tàn!

Nổi lên ở giai đoạn bùng nổ thị trường bất động sản Đà Nẵng (2009 - 2011), các dự án nhà đất của Công ty cổ phần Dây cáp điện Tân Cường Thành đã từng thu hút hàng ngàn người lao vào giao dịch mua bán. Nhưng chỉ 2 năm sau, các dự án này đều lần lượt… đi vào bế tắc, và giờ đây, những công trình thiết kế do chủ đầu tư đưa ra hoàn toàn chỉ còn là bản vẽ mà thôi.

Mới đây nhất, ông Võ Duy Khương, PCT thường trực UBND thành phố Đà Nẵng phải nhận xét, đã đến lúc thành phố nên xem xét thu hồi lại các dự án của công ty Tân Cường Thành để chuyển giao cho đơn vị khác. Mọi liên lạc giữa chính quyền địa phương với nhà đầu tư này nhằm nối kết cơ hội “tái phục dự án” trong nhiều tháng qua gần như không có phản ứng nào.

Tranh cãi con số 10% căn hộ “mua để ở”

Mới đây, ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã đưa ra nhận định, trong tổng lượng căn hộ tại Hà Nội được tiêu thụ thời gian qua, chỉ có khoảng 10% số căn hộ được mua bởi những người có nhu cầu ở thực. Nhận định này đang tạo ra những ý kiến trái chiều trên thị trường.

Con số ông Trung đưa ra khiến không ít người sửng sốt, khi đối chiếu với con số cả ngàn căn hộ được giao dịch thành công tại Hà Nội từ đầu năm tới nay và càng ngạc nhiên hơn khi gần đây, các chuyên gia trong ngành đều nhìn nhận, thị trường chung cư đang có dấu hiệu ấm lên nhờ nhu cầu ở thực.

Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc thừa nhận, thị trường căn hộ Hà Nội thời gian gần đây có sự tham gia của không ít nhà đầu tư, nhưng không có chuyện chỉ 10% căn hộ bán ra cho người có nhu cầu ở thực. Bởi theo ông, thực tế tại các đợt mở bán của Đất Xanh Miền Bắc gần đây, đa số người mua nhà xuất phát từ nhu cầu chỗ ở.

Báo cáo thị trường căn hộ tháng 8

Trong tháng ngâu, số lượng căn hộ mở bán tại Tp.HCM vẫn không sụt giảm so với tháng trước nhưng thị trường Hà Nội lại ngược chiều giảm đáng kể.

Dù trong tháng ngâu nhưng lượng căn hộ bán được vẫn đạt mức cao. Nhiều chủ đầu tư công bố lượng giao dịch tăng chủ yếu là ở những căn hộ bình dân hoặc diện tích nhỏ vì phù hợp với khả năng chi trả của người mua, điển hình như ở dự án 8X Plus, sau chưa đầy 1 tháng mở bán, hơn 70% số căn hộ có diện tích từ 63-83m2 đã được khách hàng đặt mua. Tại các dự án khác như Lucky Palace, Ehome 3, giao dịch cũng khả quan.

Hơn 1.500 căn hộ được chào bán trong tháng, nâng tổng nguồn cung căn hộ tính đến hết tháng 8 lên 8.500 căn, tăng 21,8% so với tháng trước. Trong tháng có 2 dự án mới cung cấp hơn 930 căn hộ, nguồn cung còn lại đến từ các dự án mở bán đợt tiếp theo, chủ yếu là từ các dự án đã hoàn thành đang bán nốt những căn hộ cuối cùng

Phân theo khu vực, quận 12 là nơi dẫn đầu về nguồn cung căn hộ trong tháng với 578 căn hộ, tiếp đến là quận 6, quận 7 và quận 2.

Bóc mẽ chiêu trò trốn thuế của ông chủ tòa nhà cao nhất Hà Nội

Nhanh chân điều chỉnh lãi suất để trốn tội nhưng Keangnam Vina, ông chủ tòa nhà cao nhất Việt Nam vẫn không thoát.

Tòa tháp Keangnam được triển khai từ tháng 5/2007, bàn giao vào đầu năm 2011 và công ty bắt đầu có doanh thu. Giá rao bán các căn hộ nơi đây từng lên trên 3.000 USD mỗi mét vuông, tương đương 5-8 tỷ đồng mỗi căn. Căn hộ cao cấp được đánh giá là con gà đẻ trứng vàng của Keangnam Vina.

Mới đây, theo thông tin chính thức từ Tổng cục Thuế trong năm 2013, ngành thuế đã rà soát, lập danh sách đưa vào diện quản lý kê khai thông tin giao dịch liên kết đối với 3.055 doanh nghiệp. Keangnam Vina là một trong những cái tên “nổi bật” trong danh sách này.

Quá trình thanh kiểm tra cho thấy, Keangnam Vina đã dùng chiêu “cổ điển” mà nhiều doanh nghiệp FDI khác như Coca Cola hay Nestle sử dụng. Đó là chuyển lãi từ Việt Nam về cho công ty mẹ hoặc một đơn vị khác của công ty mẹ.

Cụ thể, tháng 10/2007, chỉ sau 3 tháng được cấp phép, Keangnam Vina đã ký hợp đồng với Keangnam Enterprise - một thành viên cùng công ty mẹ để làm tổng thầu EPC. Tổng giá trị hợp đồng lên tới 871 triệu USD.

Tranh mua suất nhà ở xã hội để... cho thuê

Sau khi vượt qua hơn 800 hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại chung cư Tô Hiến Thành, đầu tháng 8/2013, 103 cán bộ công chức đầu tiên của thành phố đã được bố trí vào ở. Tuy nhiên, nhiều người sau khi mua được nhà ở xã hội đã… bỏ trống hoặc mang cho thuê kiếm lời.

Trong vai người đi thuê nhà, chúng tôi lên trang mạng tìm kiếm Google.com gõ cụm từ “cho thuê căn hộ chung cư Tô Hiến Thành”, hàng trăm kết quả rao cho thuê hiện ra với giá từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Nhiều căn hộ, người đăng tin khẳng định đã nhận nhà từ lâu nhưng bỏ trống, chưa từng ở. Thế nhưng, khi chúng tôi liên hệ, hầu hết đều cho biết đã có người thuê vì những căn hộ này rất đắt khách, vừa đăng tin là có người thuê ngay.

Theo hai nhân viên Tuấn và Trúc, hiện CC này có khoảng hơn chục căn hộ đang cho thuê. Ngoài những căn đang cho thuê, nhiều căn hộ hiện người đang ở cũng không phải chủ.

TP.HCM la liệt dự án chết

Cho dù các số liệu thống kê cho thấy thị trường bất động sản đang tốt lên thì ngay giữa Sài Gòn vẫn tồn tại một thực trạng đáng buồn với hàng trăm dự án chậm tiến độ, thi công ì ạch thậm chí “trùm mền”.

Từng là phân khúc tạo sức hút nhất trên thị trường, nhưng hiện tại đất nền dự án có rất ít giao dịch. Thậm chí, đất nền nhiều khu dân cư cao cấp đang biến thành những cánh đồng cỏ khổng lồ giữa Sài Gòn.

Tọa lạc ngay khu vực cửa ngõ phía Đông - cửa ngõ chính dẫn vào TP.HCM và là cấu nối TP.HCM với các khu vực lân cận, Dự án Khu đô thị Đông Tăng Long chính thức được khởi công từ năm 2005. Lúc ấy, dự án với tổng diện tích 160 ha này được xem như một trong những dự án trọng điểm của Q.9. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, Dự án Khu đô thị Đông Tăng Long lại là khung cảnh bạt ngàn cỏ dại, những con đường không một bóng người, hoang vu đến lạ kỳ.

Khu nhà ở phường Long Trường - Tiến Phước do Công ty TNHH Tiến Phước, dự án Khu đô thị mới Phú Xuân (huyện Nhà Bè) do CTCP Đầu tư và Phát triển nhà đất Cotec làm chủ đầu tư, Khu dân cư Tân Nhựt (Bình Chánh) gồm hơn 600 nền đất do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Huỳnh Thông làm chủ đầu tư cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi một số lượng lớn đất đai cỏ mọc um tùm.

GS. Đặng Hùng Võ: Vốn FDI sẽ đổ mạnh vào bất động sản cuối năm nay

Thời gian gần đây, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang mạnh mẽ trở lại với sự vào cuộc của cả nhà đầu tư ngoại và nội. Trong đó, đáng chú ý là nhiều nhà đầu tư nội đang khẳng định dấu ấn trong cuộc chơi mới này.

GS. Đặng Hùng Võ, Chuyên gia cao cấp về bất động sản cho rằng, lý do bất động sản nghỉ dưỡng đang sôi động trở lại bởi vì xét về cả môi trường lẫn lợi ích đầu tư, Việt Nam vẫn đang là điểm nóng đầu tư hấp dẫn.

Theo những thông tin tôi cảm nhận được, đầu tư FDI giai đoạn cuối năm 2014 sẽ mạnh mẽ hơn so với giai đoạn đầu năm.

Xét về mặt môi trường đầu tư, hiện nay chúng ta đã biết rất nhiều nước đã có đánh giá khá tốt về môi trường đầu tư của Việt Nam. Đồng thời nhà đầu tư ngoại cũng đang đánh giá cao những nỗ lực trong việc cải thiện khung pháp lý và các chỉ số hành chính của Việt Nam.

Trước đây, không ít nhà đầu tư ngoại trước khi vào Việt Nam đều lo ngại Việt Nam có thể thay đổi pháp luật. Thế nhưng, theo dõi những thay đổi pháp luật của Việt Nam trong thời gian vừa qua có thể thấy nhiều tín hiệu tích cực nhất là trong việc sau khi thay đổi hầu như không có luật nào bị bó hơn trước mà nó đều tạo ra sự cởi mở hơn. Và dĩ nhiên nó đã và sẽ mang lại nhiều lợi thế cho nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào Việt Nam.

Thịnh Châu (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.