11/09/2014 1:47 PM
Nhanh chân điều chỉnh lãi suất để trốn tội nhưng Keangnam Vina, ông chủ tòa nhà cao nhất Việt Nam vẫn không thoát.

Thua lỗ triền miên

Công ty TNHH Một Thành Viên Keangnam Vina là công ty 100% vốn nước ngoài, thuộc Tập đoàn Keangnam, Hàn Quốc. Keangnam Vina là chủ đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn, văn phòng, căn hộ, trung tâm thương mại Keangnam Hanoi Landmark Tower.

Với “danh hiệu” tòa tháp cao nhất Việt Nam, Keangnam Hanoi Landmark Tower rất nổi tiếng và nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư cũng như người dân. Nhiều khách hàng tới Keangnam Tower để ngắm toàn cảnh thành phố Hà Nội và tranh thủ mua sắm. Vì vậy, Keangnam Tower rất tập nập người qua lại.

Tòa tháp Keangnam được triển khai từ tháng 5/2007, bàn giao vào đầu năm 2011 và công ty bắt đầu có doanh thu. Giá rao bán các căn hộ nơi đây từng lên trên 3.000 USD mỗi mét vuông, tương đương 5-8 tỷ đồng mỗi căn. Căn hộ cao cấp được đánh giá là con gà đẻ trứng vàng của Keangnam Vina.

Keangnam Hanoi Landmark Tower - tòa nhà cao nhất Việt Nam

Năm 2012, không lâu sau khi tòa tháp đi vào hoạt động, khu vực văn phòng của Keangnam Tower đã có tỷ lệ lấp đầy khá cao với nhiều khách hàng lớn như KPMG, PricewaterhouseCoopers, Ericsson, ngân hàng Standard Chartered,… Giá thuê tại Keangnam dao động từ 20 tới 25 USD/m2.

Cộng với doanh thu từ trung tâm thương mại, doanh thu từ bán căn hộ và thuê văn phòng mang về cho Keangnam khoản tiền khổng lồ. Thế nhưng từ khi đầu tư dự án đến nay, Keangnam-Vina liên tục báo lỗ vài chục tỷ đồng mỗi năm.

Thậm chí, năm 2011, khi toà nhà Keangnam đi vào vận hành, doanh thu của công ty này lên tới hơn 5.200 tỷ đồng thì điệp khúc lỗ vẫn tái diễn với khoản thua lỗ 140 tỷ đồng. Công ty chưa từng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, ngoại trừ VAT, thuế sử dụng đất.

Danh tiếng lớn, doanh thu cao nhưng lỗ triền miên nên Keangnam Vina lọt vào tầm ngắm của Tổng cục thuế.
Mới đây, theo thông tin chính thức từ Tổng cục Thuế trong năm 2013, ngành thuế đã rà soát, lập danh sách đưa vào diện quản lý kê khai thông tin giao dịch liên kết đối với 3.055 doanh nghiệp. Keangnam Vina là một trong những cái tên “nổi bật” trong danh sách này.

Chiêu "cổ điển"

Quá trình thanh kiểm tra cho thấy, Keangnam Vina đã dùng chiêu “cổ điển” mà nhiều doanh nghiệp FDI khác như Coca Cola hay Nestle sử dụng. Đó là chuyển lãi từ Việt Nam về cho công ty mẹ hoặc một đơn vị khác của công ty mẹ.

Cụ thể, tháng 10/2007, chỉ sau 3 tháng được cấp phép, Keangnam Vina đã ký hợp đồng với Keangnam Enterprise - một thành viên cùng công ty mẹ để làm tổng thầu EPC. Tổng giá trị hợp đồng lên tới 871 triệu USD.

Keangnam Enterprise, “anh em ruột” của Keangnam Vina đảm nhiệm rất nhiều công việc quan trọng tại Keangnam Vina như khảo sát, thiết kế dự án, cung cấp thiết bị máy móc, thi công xây dựng.

Không chỉ đảm nhận công việc liên quan đến xây dựng, Keangnam Enterprise còn cung cấp cả dịch vụ tư vấn tài chính, dàn xếp vốn vay cho Keangnam Vina. Năm 2008, Keangnam Vina đã phải trả 30 triệu USD, tương đương 485 tỷ đồng phí tư vấn tài chính Keangnam Enterprise.

Ngoài ra, “anh em ruột” còn thu rất nhiều khoản phí với giá trị lớn. Trong đó, phí dịch vụ sắp xếp nguồn vay lên tới 20 triệu USD, chi phí tư vấn quảng cáo, tư vấn cấp quyền sử dụng đất, cấp giấy phép đầu tư cũng lên tới vài triệu USD.

Chính vì phải nộp quá nhiều khoản phí “khủng” cho Keangnam Enterpise nên Keangnam Vina thua lỗ triền miên và không nộp bất cứ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Trong khi đó, “anh em ruột” Keangnam Enterpise ở Hàn Quốc lại hưởng lãi khủng.

Keangnam Enterpise hưởng lãi khủng vì “rút” hàng chục triệu USD từ Việt Nam nhưng chỉ phải nộp thuế nhà thầu cho Việt Nam, thấp hơn nhiều so với việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 25% - 28%.

Vì vậy, Keangnam Vina bị nghi ngờ dàn xếp về giá vốn xây dựng. Theo đó, một khoản lợi nhuận lớn được cho là đã được Keangnam Vina chuyển về Hàn Quốc. Và nghi vấn này sớm có câu trả lời khi ngành thuế vào cuộc.

Sau thanh tra, cơ quan thuế xác minh loại trừ tất cả những khoản chi phí đầu vào bất hợp lý, tổng giá trị hợp đồng EPC từ mức 871 triệu USD, giảm xuống chỉ còn 699 triệu USD. Bên cạnh đó, những khoản lãi lỗ của Keangnam Vina đã được làm sáng tỏ.

Đoàn thanh tra xác định lĩnh vực kinh doanh căn hộ cao cấp mang lại khoản lợi nhuận “khủng” cho Keangnam Vina. Theo đó, chi phí giá vốn xây dựng cho khu căn hộ này chỉ chiếm 33% trong tổng gói giá trị hợp đồng EPC trên.

Mảng kinh doanh thứ hai là dịch vụ khách sạn, cho thuê văn phòng của Keangnam Vina vẫn lỗ nhưng con số lỗ thực tế thấp hơn nhiều. Tổng hợp lại, kết quả kinh doanh hợp nhất của Keangnam Vina tính đến năm 2011 vẫn lỗ.

Cố trốn “tội”

Cũng như “vua vàng” Việt Nam Besra, khi bị ngành thuế thanh tra, Keangnam Vina cũng cố gắng tìm cách trốn “tội”. Nếu Besra gây áp lực bằng cách dừng hoạt động khiến 1.000 người lao động mất việc làm và chuyển hết dòng tiền thì Keangnam Vina lại “nương nhờ” lãi suất.

Mảng văn phòng chưa mang lại lợi nhuận cho Keangnam Vina

Cụ thể, trước khi kế hoạch thanh tra giá chuyển nhượng tại Keangnam Vina được duyệt, Keangnam Vina đã kê khai lãi suất 12%/năm cho khoản vay 400 triệu USD tại ngân hàng Kookmin Bank (Hàn Quốc). Điều đáng nói, Kookmin Bank cũng là một người anh em trong cùng tập đoàn.

Mức lãi suất 12%/năm được đánh giá là cao gấp đôi mức lãi suất vay USD của các ngân hàng Việt Nam thời điểm đó. Động thái tự nguyện “vay nặng lãi” của Keangnam Vina khiến tổng mức chi trả cho lãi vay lên tới 2.030 tỷ đồng.

Nhưng ngay trước thời điểm đoàn thanh tra thuế đến làm việc, khoản vay này đã được chủ đầu tư tự khai hạ thấp lãi suất xuống còn 5% - 7%. Vì thế Keangnam Vina đã không bị phạt về hành vi chuyển giá.

Không bị phạt về hành vi chuyển giá nhưng Keangnam Vina không hoàn toàn thoát tội. Tại Cục Thuế thành phố Hà Nội, kết quả thanh tra đã buộc Keangnam Vina phải thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng. Công ty này cũng bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp 95,2 tỷ đồng.

Quan trọng hơn, khi các gian lận của Keangnam Vina được phơi bày ra trước dư luận, uy tín của “ông lớn” Hàn Quốc này ít nhiều bị ảnh hưởng.

Hạ Lan (VTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.