16/08/2014 12:00 PM
CafeLand – Cắt giảm 1/3 số thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng; Nhiều phiếu thuận cho Sân bay Quốc tế Long Thành; Vì sao dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ; Đại gia túng tiền, nhà chục tỷ cũng bán!;… là những thông tin thị trường nhà đất được nhiều bạn đọc quan tâm trong tuần vừa qua.

Cắt giảm 1/3 số thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng

Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đưa ra tại buổi làm việc sáng 14/8 với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành hữu quan về thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng.

Thủ tướng cho rằng so với thế giới, với yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, với mong muốn cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì số lượng và thời gian để thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng là còn nhiều và còn dài.

Mặt khác, việc chưa minh bạch về thủ tục, chưa thống nhất, đồng bộ về phối hợp thủ tục giữa các Bộ, ngành liên quan, giữa Trung ương và địa phương còn tạo ra nhiều kẽ hở cho sự tùy tiện, gây rắc rối, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng. Những hạn chế này chắc chắn làm tăng chi phí đầu tư các dự án, công trình, chi phí của nền kinh tế, ảnh hưởng đến hiệu quả của từng dự án cũng như của cả nền kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của quốc gia.

“Cải cách thủ tục hành chính hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta. Nhất thiết phải tăng cường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước theo hướng chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả song quản lý còn phải tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư phát triển. Những thủ tục nào không cần thiết, dứt khoát phải cắt bỏ” - Thủ tướng nói.

Nhiều phiếu thuận cho Sân bay Quốc tế Long Thành

Sáng nay, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã tổ chức họp phiên họp thứ ba và tiến hành bỏ phiếu thông qua Báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cách đây ít giờ, dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã họp xem xét và biểu quyết thông qua Báo cáo đầu tư dự án đầu tư công trình hạ tầng có tổng mức đầu tư lên tới 8 tỷ USD này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.

Mặc dù vẫn phải chờ đợi kết quả kiểm phiếu của 16 thành viên Hội đồng là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan nhưng nhiều khả năng Báo cáo đầu tư Dự án sẽ nhận được đa số phiếu thuận để có thể trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét thông qua ngay trong kỳ họp tháng 10/2014.

Như vậy, sân bay Long Thành về cơ bản đã vượt qua “cửa ải” đầu tiên, dù Báo cáo đầu tư Dự án do Tổng công ty Hàng không Việt Nam lập vẫn còn nhiều hạn chế cần phải chỉnh sửa, khắc phục.

Vì sao dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ?

Hầu hết các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội đang bị chậm tiến độ. Phải chăng các doanh nghiệp xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để câu giờ, giữ đất? Đó là câu hỏi được nhiều người đặt ra trong những ngày gần đây.

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, dự án AZ Thăng Long nằm trên trục Quốc lộ 32 là một trong 4 dự án đã được TP Hà Nội đồng ý chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Khi là nhà ở thương mại, dự án nổi tiếng vì chây ỳ tiến độ. Khi chuyển sang nhà ở xã hội 8 tháng nay, dự án vẫn tiếp tục quây tôn nằm phơi mưa, phơi nắng.

Trong khi đó, dự án Tây Nam Linh Đàm được động thổ từ tháng 5/2013. Hơn 1 năm sau, công trình vẫn đang miệt mài ở khâu làm móng. Còn ô đất nằm trong khu đô thị Trung Văn mở rộng cũng được chấp nhận chuyển đổi về mặt chủ trương nhưng vẫn chưa triển khai gì.

Đà Nẵng: Điều chỉnh phân lô tái định cư đúng ý người dân

Tại phiên làm việc rà soát bố trí đất tái định cư và đền bù giải tỏa cho người dân quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) mới đây, lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan tham mưu việc điều chỉnh lại diện tích phân lô đất tái định cư sao cho phù hợp yêu cầu người dân.

Theo đó, tinh thần chính của chỉ đạo là không thể buộc người dân vào thế phải nhận đất 1 cách miễn cưỡng, gây thêm khó khăn cho đời sống của họ.

Đại diện 1 doanh nghiệp khai thác mặt bằng quy hoạch tại Đà Nẵng nhìn nhận, thực tế sự việc đang diễn ra ở Liên Chiểu là bức xúc lâu nay của nhiều dự án quy hoạch khác. Kể cả 1 số dự án khai thác thương mại đất nền, doanh nghiệp cũng “phải tuân theo” các sơ đồ quy hoạch đã “định vị” từ các cơ quan chức năng, trong khi tính xác thực, thực tiễn của các cơ quan này chưa hẳn cao. Do đó, có không ít dự án khai thác bất động sản đã gặp những trở ngại tâm lý của người mua, khi họ tiếp cận các lựa chọn diện tích đất không hợp lý.

Ông Lê Hoàng Châu: “Giá bất động sản vẫn có thể giảm nữa”

Giá bất động sản vẫn có thể giảm nữa, nếu như Nhà nước cắt bỏ được những chi phí bất hợp lý đối với các chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản.

Đó là quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu, khi nói về cơ hội tiếp cận, sở hữu căn hộ của số đông người dân, trong bối cảnh thị trường gần như đang ủng hộ người mua.

Gần đây, thị trường bất động sản Tp.HCM cũng như nhiều địa phương khác có dấu hiệu hồi phục, nhưng là sự hồi phục từ từ, từng chút một. Phân khúc chủ đạo nhà ở dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, vẫn phát triển tốt.

Tuy nhiên, nếu nói rằng thị trường bất động sản không bị khủng hoảng là không đúng. Thị trường bất động sản đang bị khủng hoảng nghiêm trọng. Hiện doanh nghiệp bất động sản đang bị “ăn vào tài sản cố định”, tức là phải bán sản phẩm với mức lãi rất thấp.

Tăng vốn pháp định bao nhiêu thì vừa?

Tăng vốn pháp định từ 6 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng thì thực trạng các nhà đầu tư "tay không bắt giặc" có chấm dứt?

Mới đây, Bộ Xây dựng vừa có đề xuất tăng vốn pháp định (vốn để mở công ty kinh doanh bất động sản) từ 6 tỷ đồng như lâu nay lên mức 50 tỷ đồng. Theo Bộ Xây dựng, đề xuất này đưa ra nhằm hạn chế trường hợp chủ đầu tư dễ dàng xin cấp phép đầu tư xây dựng nhưng khi bắt tay vào thực hiện công trình lại thiếu khả năng tài chính khiến các dự án dở dang hoặc bỏ hoang gây nhiều hệ lụy.

Đại gia túng tiền, nhà chục tỷ cũng bán!

Mất bao công sức, tiền của để tậu nhà, sắm đồ trang trí trị giá cả chục tỷ đồng, giờ đây nhiều đại gia đang phải "dứt ruột" bán dần bán mòn từng phần cái cơ ngơi đồ sộ đã từng là niềm tự hào, kiêu hãnh của họ. Tất cả chỉ vì "kẹt" quá!

Ngôi nhà vườn ở Thạch Thất đáng giá hàng chục tỷ đồng từng là một trong những niềm tự hào của ông Tuấn, giám đốc một doanh nghiệp ở Hà Nội. Để có được cơ ngơi thứ hai này, ông đã phải dành rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để săn lùng những cổ vật vào hàng quý hiếm tô điểm cho không gian sống của mình.

Nhà xây xong, mừng tân gia, người ở phố xe sang đổ về tấp nập, ai cũng trầm trồ với những gì ông Tuấn sở hữu. Song, hưởng cái sự sung sướng, an nhàn vui thú điền viên chưa được bao lâu thì ông gặp nạn. Công việc lao dốc, kéo theo đó nợ nần cũng tăng dần. Chính vì thế, ông chẳng còn thảnh thơi mà về nhà mỗi dịp cuối tuần, hay tao nhã ngồi uống trà thưởng hoa vào buổi tối. Kinh doanh ngày càng bê bết, cực chẳng đã ông đã phải âm thầm rút dần những thứ quý giá nhất trong ngôi nhà đem bán.

Thịnh Châu (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.