08/11/2014 11:43 AM
CafeLand – Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ; Dũng "lò vôi" tuyên bố đóng cửa Khu du lịch Đại Nam; Người nước ngoài sắp được mua nhà tại Việt Nam; Bán đường cao tốc: Bộ GTVT có nhiều cái khó!;… là những thông tin thị trường nhà đất nổi bật được nhiều bạn đọc quan tâm nhất trong tuần.

Hình minh họa

Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ

Chiều 6/11 vừa qua, Đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội về thực trạng và thực tế triển khai kiểm định rõ chất lượng và đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.516 chung cư cũ với quy mô từ 2 đến 5 tầng, cơ bản được xây dựng từ năm 1954 đến năm 1990, một số ít xây dựng trước năm 1954. Các chung cư cũ được bố trí rải rác khắp các nơi, tập trung chủ yếu ở các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Xuân... Hầu hết các khu chung cư cũ đã được chuyển đổi từ hình thức sở hữu hà nước sang sở hữu tư nhân theo Nghị định 61/CP, đến nay đã hết niên hạn sử dụng và xuất hiện tình trạng nguy hiểm với hệ thống hạ tầng xuống cấp cần phải được cải tạo, xây dựng lại.

Bị đòi sổ đỏ, Dũng "lò vôi" tuyên bố đóng cửa Khu du lịch Đại Nam

Trong 51 ngày (từ 8.9-28.10.2014), tỉnh Bình Dương (BD) đã ban hành tới 12 văn bản (trung bình 4 ngày ra một văn bản) cấp tập gửi tới Cty CP Đại Nam, liên quan tới việc thu hồi quyền sử dụng 61,4ha đất ở của Cty Đại Nam - nguyên do ông Huỳnh Uy Dũng (TGĐ Cty Đại Nam) tố cáo ông Lê Thanh Cung (Chủ tịch UBND tỉnh BD) hơn một năm nay. Trước sự o ép DN bất bình thường trên, ông Dũng tuyên bố sẽ “đóng cửa Khu du lịch Đại Nam”…

Ông Huỳnh Uy Dũng - Tổng GĐ kiêm Chủ tịch HĐQT Cty CP Đại Nam - cho rằng: “Hành vi o ép DN của chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh BD đã và đang đẩy DN tột cùng của khó khăn, bất chấp Thủ tướng đang chỉ đạo xem xét lại kết luận của TTCP. Nếu tình hình này vẫn không thay đổi, tôi sẽ quyết định đóng cửa hoàn toàn Khu du lịch Đại Nam và các hoạt động khác của Cty CP Đại Nam, để chờ đợi kết quả giải quyết của Thủ tướng đối với các hành vi vi phạm của Chủ tịch UBND tỉnh BD đối với Cty Đại Nam”.

Người nước ngoài sắp được mua nhà tại Việt Nam

Dự thảo Luật Nhà ở 2014 đã cho phép người nước ngoài chỉ cần nhập cảnh vào VN là có thể mua được nhà, tạo điều kiện cho người nước ngoài đến đầu tư.

Người nước ngoài sinh sống tại TP.HCM hiện nay đã lên đến hàng chục ngàn người. Hầu hết họ thuê nhà để ở vì một số quy định khắt khe như phải có visa nhập cảnh từ 6-12 tháng, phải kết hôn với công dân Việt Nam, phải có bằng đại học, có đóng góp cho đất nước Việt Nam... mới được mua nhà. Để gỡ bỏ rào cản này, dự thảo Luật Nhà ở đã nới lỏng một số điều kiện, trong đó, cho phép người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được phép mua nhà.

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Mở nhưng cửa vẫn hẹp

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mới đây lại được nới lỏng thêm đối tượng vay và cho vay trong bối cảnh chỉ mới giải ngân hơn 12% sau gần 1 năm triển khai. Liệu việc "mở" hơn này có giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đang dậm chân hiện nay?

Đến nay, những người chưa mua được nhà từ gói 30.000 tỷ đồng này đều có chung suy nghĩ thực ra đây là gói hỗ trợ cho tầng lớp trung lưu chứ không phải dành cho người có thu nhập thấp thực sự. Hơn nữa căn cứ để xác định "thu nhập thấp" không phải là chuyện dễ dàng. Cán bộ một NH chia sẻ, gói 30.000 tỷ đồng mà cho vay đúng đối tượng thì cũng khó bởi những người lao động thu nhập thấp thì lại không đủ khả năng mua nhà.

Những vướng mắc trên ngay từ khi gói tín dụng này ra đời đã được nhiều người cảnh báo. Vì theo tính toán để có đủ dòng tiền chi trả cho một căn hộ có diện tích 50-70m2, giá trung bình 15 triệu đồng/m2 thì hộ gia đình đó ít nhất phải có thu nhập 12-15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với mức thu nhập này so với trung bình ở Việt Nam và ngay cả đối với những thành phố lớn thì không thể gọi là “thấp”. Do vậy, dự thảo mới có thể tạm thời gỡ nút thắt này.

Ông Phùng Quang Thanh: 'Nên lập dự án khả thi sân bay Long Thành'

Giải thích việc làm sân golf cạnh phi trường, như tại Tân Sơn Nhất, không ảnh hưởng tới an toàn bay, Bộ trưởng Quốc phòng cũng ủng hộ việc đẩy nhanh nghiên cứu, xây dựng sân bay Long Thành.

Câu chuyện về dự án Sân bay Long Thành tiếp tục làm nóng bàn nghị sự của Quốc hội trong các phiên thảo luận tổ chiều 4/11. Theo nghị trình, các đại biểu có 3 nội dung cần thảo luận, nhưng không ít đoàn đã dành toàn bộ thời lượng để nói về dự án trị giá 18,7 tỷ USD.

Còn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều xung quanh chủ trương dự án, đoàn TP. HCM là một trong những nơi thảo luận sôi nổi nhất về vấn đề này. Trong khi đại biểu Phạm Văn Gòn cho rằng dù có nợ cũng phải xây dựng công trình này thì ý kiến của các vị như Võ Thị Dung, Nguyễn Văn Minh... lại nghi ngờ con số 140.000 dân phải di dời nếu mở rộng Tân Sơn Nhất.

Dân không giao đất vì giá đền bù chưa bằng... một bát phở!

Cho rằng mức giá đền bù đất quá bèo và dự án có sự thiếu minh bạch trong triển khai, hơn 20 hộ dân tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội không đồng ý bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Dự án khu nhà ở Ao Trũng do chủ đầu tư đại diện là Công ty Cổ phần phát triển Tân Việt vì thế cũng chưa chưa thể khởi động mặc dù dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã hơn 4 năm nay.

Theo các hộ dân, mức giá mà UBND Phường Ngọc Lâm đưa ra là quá thấp khiến họ không thể chấp nhận được. Hơn nữa, một số hộ còn cho rằng phường đã xác định đất sai nguồn gốc, thiếu căn cứ.

"Chả có đất nào 35 ngàn đồng một mét cả. Đất của tôi là do ông cha cụ kị để lại, giá đó làm gì được một bát phở. Phở bây giờ cũng phải 50 ngàn, bát bún thì may ra được...", bà Đặng Thị Luyến, một người dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án, nói.

Bán đường cao tốc: Bộ GTVT có nhiều cái khó!

"Rất khó tìm được các nhà đầu tư nước ngoài “mua” lại các công trình hạ tầng giao thông vốn cao, thời gian thu hồi vốn quá dài, rủi ro lớn".

TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông đã thẳng thắn chia sẻ với Đất Việt, trước đề xuất bán lại một số tuyến đường cao tốc của Bộ GTVT.

Ở đây không phải là bán một số cao tốc đang quản lý, mà chỉ là nhượng quyền khai thác. Trước đây ưa dùng khái niệm bán lại quyền thu phí. Phải nói rằng, việc này từ 2009 đến giờ Bộ GTVT vẫn đang tiến hành.

Theo tôi, trong lúc ngân sách khó khăn và Việt Nam cũng đang cần kinh nghiệm quản lý của các nhà đầu tư nước ngoài, thì đây là một giải pháp năng động sáng tạo huy động vốn rất đáng trân trọng của Bộ GTVT. Như vừa qua có thông tin tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng “bán” 70% cho nhà đầu tư Ấn Độ, cũng là tín hiệu đáng mừng.

Thịnh Châu (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.