Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
Theo đó, Phó Thủ tướng ghi nhận những cố gắng của Bộ GTVT song nhìn chung dự án còn chậm so với yêu cầu. Vì vậy, Bộ cần đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt với ba dự án vừa được Quốc hội đồng ý chuyển đổi từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công, đảm bảo khởi công trong tháng 9.
Hiện nay Việt Nam mới có trên 1.000 km đường bộ cao tốc. Ảnh: V.LONG
Với năm dự án PPP còn lại, Bộ GTVT cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại để thu xếp nguồn vốn tín dụng. Các dự án PPP kể trên đều có phương án tài chính khả thi, đây là cơ sở quan trọng để các các ngân hàng thương mại thẩm định cho vay vốn.
Đối với công tác mặt bằng cao tốc Bắc - Nam, dù cơ bản hoàn thành trên 92% nhưng Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương liên quan phải bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 9.
Về mạng lưới đường bộ cao tốc, ông Trịnh Đình Dũng cho rằng theo Nghị quyết số 13/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã định hướng đến năm 2020 hoàn thành khoảng 2.000 km đường cao tốc. Tuy nhiên, đến nay mới có trên 1.000 km và đang triển khai xây dựng 784 km.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng việc sớm đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc kết nối các vùng kinh tế trọng điểm là hết sức cần thiết và cấp bách.
Ngoài các dự án đang triển khai, giai đoạn 2021-2025 cần phải đầu tư từ 1.300 km đến 1.500 km đường cao tốc, phấn đấu đến năm 2030 đưa 5.000 km vào khai thác sử dụng.
Hiện nay, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) vừa được Quốc hội ban hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thu hút nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và hệ thống đường bộ cao tốc nói riêng.
Theo quy định của Luật PPP, tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Như vậy, ngoài nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, nguồn vốn tín dụng chiếm tối thiểu 35% tổng mức đầu tư dự án. Vì vậy, để các ngân hàng thương mại xem xét cung cấp tín dụng thì dự án phải thực sự có hiệu quả, có khả năng hoàn vốn và trả nợ vốn vay.
Vì vậy, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện các nghị định hướng dẫn Luật PPP trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Bộ GTVT được giao hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm hệ thống đường bộ đồng bộ với các loại hình giao thông khác, đáp ứng nhu cầu vận tải trong dài hạn.
“Cạnh đó, cần nâng cao chất lượng dự án đầu tư, từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư. Đồng thời, cùng với các bộ ngành liên quan sớm xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó ưu tiên vốn đầu tư công cho các công trình quan trọng, cấp bách, đặc biệt là tập trung vào đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc…” - văn bản kết luận nêu rõ.
-
Cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ thông tuyến năm 2022
CafeLand - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện; phấn đấu hoàn thành cơ bản toàn Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông vào năm 2021, thông xe vào năm 2022.
-
12 dự án hạ tầng giao thông quan trọng nào sẽ được khởi công trong năm 2025
Trong năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức khởi công 12 dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên cả nước. Trong đó, nhiều dự án sẽ được khởi công ngay trong đầu năm 2025.
-
Khẩn trương mở rộng cao tốc nối TP.HCM với miền Tây lên 6 – 8 làn xe
Cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ được mở rộng lên 6 – 8 làn xe nhằm đảm bảo kết nối giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh thành miền Tây.
-
Thủ tướng: Mục tiêu hoàn thành ít nhất 3.000km cao tốc, xuyên suốt từ Cao Bằng tới Cà Mau
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải thực hiện bằng được mục tiêu hoàn thành ít nhất 3.000 km cao tốc, thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau, đây cũng là mục tiêu có tính chất pháp lệnh, đã được đưa vào Nghị quyết của Đảng, Quốc hội....