28/11/2012 10:02 AM
Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho rằng khó có nhiều niềm tin vào việc những căn hộ hạng sang vẫn tiếp tục có thể bán được hàng giữa lúc thị trường BĐS đóng băng như hiện nay.
Đứng giữa những ngã rẽ của thị trường, việc "nằm im chờ chết", hay "tự cứu mình, trước khi người khác ném cho cái phao"...đang là dấu hỏi lớn đối với nhiều doanh nghiệp BĐS. “Trăm phương, nghìn kế” đã được các doanh nghiệp thực hiện từ việc giảm giá, đưa ra đủ chiêu trò khuyến mại đến những đề xuất chia nhỏ căn hộ…Không ai khác, chính doanh nghiệp là người đánh cược với thị trường cho sự sống chết của chính mình.
Trao đổi với Vland về tình hình thị trường căn hộ hiện nay, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho biết: “Tại thị trường HCM căn hộ trên 1 tỷ đồng hiện nay là rất khó bán, nhưng ngược lại căn hộ dưới 1 tỷ đồng vẫn bán khá nhanh. Đó chủ yếu là những căn hộ khoảng 50 – 60 m2 với mức giá từ 12 – 15 triệu đồng/m2, giao động khoảng từ 700 – 800 triệu đồng/căn.

Một thực tế nữa là có rất nhiều chung cư xây xong đến 1, 2 năm rồi nhưng đến nay vẫn không có người ở”.

Thị trường đã chuyển một tình thế khác

PV:Trong thực tế giao dịch trên thị trường căn hộ hiện nay đang tập trung chủ yếu vào mặt hàng trung bình, thấp nên việc đầu tư vào căn hộ hạng sang được xem là lối đi mạo hiểm. Thậm chí có người cho rằng như “đâm đầu vào tường đá”. Ông có nhận định gì giao dịch tại phân khúc này?

Ông Nguyễn Văn Đực:

Trước đây rất nhiều người Việt giàu lên chính từ sự phát triển nóng của nền kinh tế, do bong bóng của BĐS, bong bóng của chứng khoán… họ đã chuyển tiền thu nhập đó sang BĐS kể cả BĐS nước ngoài. Nhưng đến nay, thị trường đã chuyển sang một tình thế khác. Trong số đó, không ít người đã đầu tư quá sức vay mượn ngân hàng nên những người đó không còn đủ sức mua những căn hộ cao cấp nữa thậm chí họ còn phải bán những căn hộ cao cấp đã mua trước đây. Do đó tôi không có nhiều niềm tin vào việc những căn hộ hạng sang vẫn tiếp tục có thể bán được hàng giữa lúc thị trường BĐS đóng băng như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành

Bằng chứng là có nhiều chung cư cao cấp đã làm xong rồi nhưng không hề có ánh sáng bóng đèn của cuộc sống sinh hoạt.

Thực tế như ở chung cư Sunrise City họ đã làm xong rồi nhưng thử hỏi khi về đêm ở đây có bao nhiêu ánh đèn trong các căn hộ. Hay như ở khu Riverside của Hoàng Anh Gia Lai ở Thảo Điền cũng thông tin bán rất nhiều nhưng họ chỉ bán qua ngân hàng hoặc các công ty khác chứ người tiêu dùng thực tế đến sống tại căn hộ không có bao nhiêu.

Đối với phân khúc chung cư cao cấp hiện nay thì khả năng cứu vãn là cực kỳ khó.


“Họ bán cho ai?”

PV:Đặc biệt đầu năm vừa qua, thị trường căn hộ hạng sang tiếp tục dạy sóng với sự xuất hiện của dự án siêu sang D’. Palais de Louis – “Ông Vua Mặt trời” mang đẳng cấp đế vương. Và đến bây giờ, những con số giao dịch mà chủ đầu tư đưa ra vẫn khá khả quan. Theo ông, liệu đây có phải là sự đột phá trên thị trường, phá băng cho phân khúc căn hộ hạng sang đang ảm đạm, ế ẩm nhất thị trường hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Đực:

Theo quan điểm của tôi thì tôi không tin rằng những căn hộ hạng sang bán được. D’Palais de Louis tôi cũng không tin họ có thể bán được với mức giá lên đến 100 triệu đồng/m2. Họ nói như vậy nhưng họ bán cho ai.
Không loại trừ ở D’Palais de Louis họ cũng có thể bán cho chính nội bộ của họ để nội bộ của họ vay tiền tiếp tục cuộc chơi.

Thực tế có rất nhiều trường hợp người ta bán ảo và tôi cũng có kiến nghị trong thời điểm này ngân hàng cần có sự chọn lọc chính nguồn khách hàng của mình.

Vấn đề không phải là họ có bán được hay không mà họ bán được cho ai mới là điều quan trọng. Mà ai đó thì đến bây giờ vẫn không được biết. Liệu đó có phải tiếp tục là những cái tên như Đàm Vĩnh Hưng hay vợ chồng Angelina Jolie…

Loại thứ 2 là bán cho 1 sàn nào đó vài trăm căn nhưng rồi cũng chỉ để ôm chứ không bán được. Đây là một thực tế rất phổ biến hiện nay. Và chính hàng tồn kho ảo này mới gây chết cho thị trường BĐS ghê gớm.

Thị trường BĐS khó khăn nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển hướng đổ về phục vụ chính nhu cầu thực của thị trường.

PV: Theo như ý kiến của ông thì vấn đề hàng tồn kho hiện nay của thị trường BĐS cũng cần được nhìn nhận, tiếp cận ở thực tế giao dịch?

Ông Nguyễn Văn Đực:

Theo tôi thì cần phải thấy rằng hàng tồn kho hiện nay không phải chỉ là hàng không bán được mà còn phải kể đến hàng bán cho các đại lý mà không tới tay người dân cũng phải coi là hàng tồn kho.
Hàng tồn kho ở doanh nghiệp A giờ lại chuyển sang thành hàng tồn kho của công ty đầu tư B, sàn BĐS C chứ thực ra về mặt kinh tế, xét về việc sử dụng thì vẫn là hàng tồn kho. Nhìn từ thực tế như vậy tôi không tin vào giao dịch thực sự trong phân khúc căn hộ cao cấp có thể có triển vọng.

Và tôi tin hàng cao cấp phải giải quyết hàng tồn kho của họ trong 1 – 2 năm tới. Kể cả nhiều hàng cao cấp cũng đã phải chuyển đổi cho phù hợp với thực lực và nhu cầu của thị trường.

Thực tế thì nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển hướng đổ về phục vụ chính nhu cầu thực của thị trường. Giá trị phải tính bằng giao dịch thực tế. Nếu không tất cả chỉ là PR với chiêu bài đánh bóng mà thôi.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hồng Khanh (VLand)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.