Tại buổi họp báo chiều 15/5 ở Hà Nội, ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhận định, tốc kinh tế Việt Nam sẽ ở mức 5,8% trong năm 2016, thấp hơn so với năm nay bởi giá dầu thế giới dự báo sẽ tăng trở lại và điều kiện tài chính và lãi suất cũng sẽ tăng trong năm tới.
Thâm hụt ngân sách nhưng thặng dư tài khoản vãng lai
Khi so sánh Việt Nam với các nền kinh tế nổi ở khu vực và thế giới, ông Sanjay Kalra nhấn mạnh rằng, triển vọng kinh tế ở quốc gia Đông Nam Á này khá khả quan, dự kiến trong trung hạn sẽ tiếp tục dẫn đầu tăng tưởng toàn cầu.
Ông đánh giá cao triển vọng kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nhận xét đây là khu vực có nhiều quốc gia nhập khẩu dầu và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tăng trưởng toàn khu vực dự kiến sẽ giữ mức ổn định 5,6% trong năm nay và giảm nhẹ xuống còn 5,5 vào năm 2016.
Theo đại diện IMF, Việt Nam bị thâm hụt ngân sách nhưng lại thặng dư tài khoản vãng lai năm 2014. Dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam hiện ở mức hợp lý. Tuy nhiên, Việt Nam nên hạn chế vay nước ngoài bằng ngoại tệ để giảm nợ quốc gia.
Ông Sanjay Kalra nhận định, nợ công ở Việt Nam hiện nay đang ở mức cao và khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách cần lưu ý đến một số vấn đề như cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách ngành tài chính - ngân hàng, cải thiện năng suất lao động, nâng cao hiệu quả đầu tư công để kích cầu nội địa và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Trong báo cáo về triển vọng kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Vụ trưởng Vụ châu Á của IMF, Changyong Hree cho rằng tăng trưởng trong khu vực này không đồng đều. Việt Nam và một số quốc gia khác trong khối ASEAN sẽ tăng trưởng theo hướng đi lên, trong khi Trung Quốc và Malaysia lại theo chiều đi xuống.
Trong quý I năm 2015, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam cao hơn so với năm 2014 và thời điểm cuối năm 2013. Ông Changyong Hree cũng nhấn mạnh việc giá dầu thế giới đang giảm mang lại lợi thế quan trọng cho khu vực, trong đó có Việt Nam.
Mức vay bằng ngoại tệ cao nhưng kiểm soát được
Ông cho rằng chính sách tài khóa và tiền tệ ở các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương là hợp lý. Mức vay bằng ngoại tệ ở khu vực này ở mức cao nhưng vẫn có thể kiểm soát được. Theo Vụ trưởng Vụ châu Á của IMF, điểm sáng trong kinh tế của Nhật Bản, Ấn Độ và một số quốc gia trong khối ASEAN, trong đó có Việt Nam, được hỗ trợ bởi giá dầu giảm, nhu cầu trong nước tăng, thị trường lao động dồi dào, và thị trường thương mại đang được tự do hóa.
Báo cáo của IMF nhận định, ngành bất động sản ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn có nhiều rủi ro mặc dù tỷ lệ tín dụng ngân hàng so với GDP tăng trưởng chậm hơn ở đa số các nền kinh tế khác trên thế giới. Theo ông, mức tăng tín dụng nhanh trước đây đã tạo ra sự sai biệt tín dụng đáng kể ở một số nền kinh tế. Dù vậy, hoạt động ngân hàng vẫn được củng cố trên toàn khu vực.
Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố ngày 14/4, IMF cũng dự báo kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 3,5% năm 2015 do các nền kinh tế mới nổi lớn tăng trưởng chậm lại. Tổ chức này cũng dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,8% trong năm 2016.
Trước đó, Đại diện IMF Sanjay Kalra có cuộc trao đổi với Wall Street Journal về tình hình kinh tế Việt Nam. Theo ông, Việt Nam đã duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô trong hơn hai năm qua, với mức lạm phát giảm xuống một con số trong thời gian khá dài. Tăng trưởng GDP hồi phục ở mức khoảng 6% vào năm 2014 nhờ tăng trưởng xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh.
Ông cũng đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn tất các vòng đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như cam kết của Việt Nam đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)./.