29/11/2012 1:08 PM
Thủ phạm gây khiếu kiện đòi quyền sở hữu tầng 1 của cư dân tòa nhà F5, Khu đô thị Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chính là bản thiết kế toà nhà được xây dựng từ 10 năm trước, với chi tiết lạc hậu so với quy định hiện tại là không bố trí diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng.

Tòa nhà F5, Khu đô thị Yên Hòa được xây dựng từ năm 2004

Tranh chấp quyền sở hữu tầng 1

Cuối tuần qua, 99 hộ dân của nhà chung cư F5, Khu đô thị Yên Hòa đã tập trung đòi chuyển tầng 1 toà nhà làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Theo ông Trịnh Đình Bảy, Trưởng ban Quản trị nhà F5, từ khi toà nhà được bàn giao vào năm 2007 đến nay, toàn bộ diện tích tầng 1 của tòa nhà do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội nắm quyền quản lý và cho thuê, khiến người dân không có không gian sinh hoạt cộng đồng.

Trong khi đó, các cư dân của tòa nhà cho rằng, phần diện tích của tầng 1 được hạch toán vào giá thành của các căn hộ, nên thuộc sở hữu chung của người dân. Việc cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội sử dụng diện tích tầng 1 trong 5 năm (theo Quyết định số 65/2004/QĐ-UB của UBND TP.Hà Nội ngày 7/5/2004 về việc ban hành quy định tỏ chức dịch vụ quản lý, vận hành, khai thác khu đô thị mới, nhà chung cư cao tầng trên địa bàn TP. Hà Nội) đã hết thời hạn và chủ đầu tư phải bàn giao lại cho Ban quản trị toà nhà để sử dụng làm nhà sinh hoạt cộng đồng cho cư dân.

Được biết, nhà F5 là công trình dành cho cán bộ, công nhân viên Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. UBND TP. Hà Nội giao Công ty Xây dựng dân dụng Hà Nội (nay là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội) làm chủ đầu tư, trực tiếp quản lý thực hiện dự án, sau đó bàn giao cho đơn vị sử dụng là Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. Đây là một trong những công trình nhà ở cho đối tượng hưởng lương ngân sách có khó khăn về nhà ở được UBND TP. Hà Nội bố trí quỹ nhà ở tại Khu đô thị mới Yên Hòa.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 46,515 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 1.027 m2, với 99 căn hộ khép kín có quy mô từ 59 đến 112 m2, được xây dựng từ năm 2004, đến năm 2007 bắt đầu giao nhà. Sau khi thành lập Ban quản trị Tòa nhà F5, ngày 1/5/2012, theo đề nghị của Ban quản trị, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội đã bàn giao tài sản, công tác quản lý sử dụng tòa nhà cho đơn vị mới là Hợp tác xã Nhà ở Thụy Điển. Từ đây, những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và Ban quản trị mới đã phát sinh.

Vấn đề do lịch sử để lại

Ông Đoàn Trịnh Linh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội cho biết, Công ty đã có nhiều buổi làm việc với người dân và chính quyền địa phương nhằm giải quyết những khúc mắc nêu trên của người dân. Tuy nhiên, do thời điểm xây dựng công trình, các quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, nên đến nay, khúc mắc vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Theo ông Linh, đối với vấn đề tầng 1 nhà F5, do trước đây, UBND TP. Hà Nội quy định, sau 5 năm khai thác sử dụng, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội phải trả lại Sở Tài nguyên và Môi trường. Nhưng sau khi Hà Nội mở rộng năm 2008, phần diện tích chung lại được chuyển về Sở Xây dựng quản lý. Theo quy định, đến tháng 3/2013, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội sẽ trả diện tích này về cho UBND TP. Hà Nội, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

“Cho dù trả về cho đơn vị nào, thì về nguyên tắc, UBND TP. Hà Nội cũng sẽ giao một đơn vị quản lý. Đơn vị này sẽ tổ chức đấu thầu quyền quản lý, chứ không thể giao cho Ban quản trị tòa nhà, vì Ban quản trị tòa nhà không có chức năng này”, ông Linh cho biết.

Để giải quyết vấn đề nhà sinh hoạt cộng đồng, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội đã thương lượng với một đơn vị thuê nhà dành diện tích hơn 100 m2 cho người dân làm nơi sinh hoạt. Dự kiến trước thời điểm Tết Nguyên đán năm nay, phần diện tích này sẽ được bàn giao cho Ban quản trị trong thời gian chờ UBND TP. Hà Nội có quyết định.

Cư dân, Ban quản trị nhà F5 và chủ đầu tư đều thừa nhận, 10 năm trước, việc xây dựng phương án, thiết kế, xây dựng nhà F5 đều không nghĩ đến việc bố trí diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng. Khi đó, các quy định của pháp luật cũng không bắt buộc phải có hạng mục này, nên cả chủ đầu tư và người góp vốn đều không quan tâm. Không ai ngờ, vấn đề diện tích sinh hoạt cộng đồng lại khơi mào cho mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với Ban quản trị.

Trong sự việc nêu trên, điều cần thiết lúc này là các bên liên quan cần ngồi lại với nhau, đưa ra phương án giải quyết thấu tình đạt lý, xử lý triệt để vấn đề do lịch sử để lại, chứ không phải là đi tìm lý lẽ để tố nhau như thời gian qua.

Theo Hữu Tuấn (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.