08/11/2012 2:53 PM
Đây là một trong các giải pháp NHNN vừa báo cáo các ĐBQH, nhằm xử lý triệt để vấn đề vàng hóa nền kinh tế và tận dụng nguồn lực vàng miếng trong dân.

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, thứ 3 vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết trước khi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời, không có các quy định quản lý, kiểm soát thị trường vàng miếng và vàng miếng được coi là hàng hóa thông thường. Do đó, trước biến động tăng của giá vàng thế giới và bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước, thị trường vàng trong nước xuất hiện nhiều cơn sốt, nhiều đối tượng lợi dụng nhập lậu vàng, gây sức ép lên tỷ giá chính thức, ảnh hưởng bất lợi tới thị trường ngoại tệ và gây bất ổn kinh tế vĩ mô.


Các doanh nghiệp đáp ứng đủ diều kiện theo Nghị định 24 sẽ được cấp phép mua bán vàng miếng - Ảnh: Đ.N.Thạch

Để “xử lý triệt để vấn đề vàng hóa nền kinh tế và tận dụng nguồn lực vàng miếng trong dân”, theo thống đốc, dự kiến thời gian tới NHNN sẽ tập trung xây dựng cơ chế mua vàng tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. “Đây sẽ là kênh chính để huy động nguồn lực vàng trong dân, nhằm mục tiêu chuyển hóa nguồn lực vàng để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, đảm bảo các quyền hợp pháp của người dân đối với vàng miếng như mua bán, nắm giữ, được bảo đảm an toàn thông qua dịch vụ giữ hộ của các tổ chức tín dụng”, ông Bình nhấn mạnh.

Thống đốc NHNN cho biết sẽ tổ chức lại mạng lưới mua, bán vàng miếng, thông qua việc cấp phép cho các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 24. Đồng thời, NHNN sẽ phối hợp Bộ Tài chính kiến nghị áp dụng các chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng như quy định tại Nghị định 24.

Truy thu gần 600 tỉ đồng tiền thuế từ các tập đoàn, tổng công ty

Bộ Tài chính cũng vừa gửi Báo cáo việc thực hiện nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3 nhiệm kỳ QH khóa XIII tới các ĐBQH. Báo cáo cho hay trong 9 tháng năm 2012 đã thanh tra, kiểm tra tại 35.128 doanh nghiệp; truy thu, phạt, truy hoàn 6.511,2 tỉ đồng tiền thuế; giảm khấu trừ 913,9 tỉ; giảm lỗ 8.273,7 tỉ.

Tổng số thuế truy thu và phạt đã nộp vào ngân sách là 2.987,6 tỉ đồng; đồng thời đã thực hiện thanh, kiểm tra tại 1.172 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá, có hoạt động giao dịch liên kết với tổng số truy thu, truy hoàn, phạt là 394,9 tỉ đồng, giảm khấu trừ 79 tỉ và giảm lỗ 2.433,8 tỉ đồng.

Đối với các ngân hàng thương mại và tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Bộ này cho hay 9 tháng năm 2012 đã đôn đốc nợ thuế tại 56 đơn vị hội sở và chi nhánh ngân hàng thương mại, xử lý truy thu và phạt 105 tỉ đồng, đôn đốc nộp vào ngân sách 1.431 tỉ đồng số thuế nợ đọng (bao gồm cả 1.416 tỉ đồng số thuế nợ đọng); đã kiểm tra và đôn đốc nợ thuế tại 88 tập đoàn, tổng công ty, xử lý truy thu 576,7 tỉ đồng, đã đôn đốc nộp vào ngân sách 546,8 tỉ đồng (bao gồm cả 267,5 tỉ đồng số thuế nợ đọng).

Theo Nguyệt Minh (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.