Trong bối cảnh thị trường BĐS ảm đạm, mỗi một thông tin DN đưa ra đều nhằm tới một mục đích riêng. Và trong rất nhiều luồng thông tin, giới truyền thông có lúc đã “mắc mưu” DN.

Tít mù vòng quay thông tin BĐS

Ảnh: Thái Anh


Thông tin thật


Suốt nửa năm qua, giới kinh doanh BĐS phải quay cuồng trong tình trạng đọng vốn, ế hàng. Hàng loạt các dự án vào giai đoạn hoàn thành phải tìm mọi cách để có thể bán được hàng. Theo giới quan sát, chưa bao giờ thị trường nhiều hàng như lúc này. Và cũng chưa bao giờ thị trường rơi vào cảnh ảm đạm như thời gian qua. Cộng thêm những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ… đã khiến nhiều DN, nhà đầu tư rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.


Điểm lại tình hình thị trường BĐS Hà Nội trong vài tháng qua, dễ nhận thấy, một loạt dự án chung cư lớn trên địa bàn đã cùng lúc tung hàng ra bán. Trong đó, có rất nhiều dự án có số lượng căn hộ cực lớn. Chẳng hạn như Cleve (Hà Đông) 5 nghìn căn hộ; Golden Palace (Mễ Trì) 1 nghìn căn hộ và sắp tới là CastlePlaza (Hồ Tùng Mậu) 4 nghìn căn hộ. Đó là chưa kể tới những đợt đẩy hàng liên tiếp với hàng nghìn căn hộ tại khu Lê Văn Lương Residentials (Hà Đông) hay khu Rừng Cọ, dự án Ecopark.


Đáng chú ý, theo thông tin từ một số DN, hàng tung nhiều song tỷ lệ bán thành công không cao, đặc biệt là các dự án cao cấp có giá trên 1.800 USD/m2 trở lên. Theo thống kê chưa đầy đủ, nguồn cung căn hộ mới khoảng 25 nghìn căn, chưa kể số hàng được giới đầu cơ “ôm” trong thời gian qua. Theo các chuyên gia, với thị trường đầu cơ chiếm tới khoảng 60 - 70%, nguồn cung cũ còn lớn hơn nguồn cung mới. Thêm vào đó là hàng trăm dự án sẽ được tiếp tục triển khai. Như vậy, lo lắng thừa chung cư trong vài năm tới hoàn toàn có cơ sở.


Hàng nhiều, người mua ít. Đó là nghịch lý đầy khó khăn trong bối cảnh hiện nay đối với các DN, nhà đầu tư BĐS. Nhưng chưa hết, trong bối cảnh ấy, tình trạng thiếu vốn mới là điểm mấu chốt chất thêm khó khăn với họ. Việc hạn chế kinh doanh vàng, USD trên thị trường, chứng khoán ảm đạm, các dòng tiền dường như bị ngưng đọng. Nhiều người đã dự báo, trong khó khăn này, cơ hội sẽ đến với lĩnh vực BĐS. Thế nhưng, xu hướng này đã không mấy lạc quan. Bởi năm nay, thị trường BĐS là một kênh đầu tư có nhiều khó khăn lớn, thiếu vốn trong khi nguồn cung nhiều, sức cầu hạn chế và thanh khoản chậm. Thêm nữa, khi mà tính ổn định của nền kinh tế vĩ mô còn chưa cao, mối lo về tính thanh khoản kém trong tương lai của BĐS sẽ khiến nhiều người phải băn khoăn khi quyết định “rót” tiền vào đây. Đặc biệt, khi mà vàng vẫn là lựa chọn để người dân tích trữ. Đồng đô-la dù đang được kiểm soát, song người dân vẫn chưa muốn bán ra. Thế nên, hy vọng dòng tiền quay ngược trở lại đầu tư vào BĐS sẽ không nhiều, nhất là trong bối cảnh lạm phát, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam chưa cao.


Thông tin rót mật


Trong bối cảnh khó khăn chung ấy, hẳn không dễ lựa chọn đối với các nhà đầu tư. Nhưng cũng có một câu hỏi đặt ngược lại, tại sao, trong lúc khó khăn này, các nhà kinh doanh BĐS lại “dễ dãi” đưa các thông tin như thế. Thậm chí có DN còn “dàn đầy đủ” cho khách hàng mọi chi tiết, kế hoạch kinh doanh, đưa ra những phân tích cụ thể cho từng dự án?


Thông thường, với một nhà kinh doanh, ở tình trạng thị trường hiện nay họ sẽ giấu nhẹm những nhược điểm của mình, thậm chí găm hàng không “nói quá”. Như với thị trường Hà Nội, việc công bố cụ thể số lượng căn hộ khiến người ta có thể đưa ra ngay một nhận định: Thị trường sẽ thừa hàng. Và tương lai xám cho thị trường BĐS khi hàng hóa nhiều là điều có thể hình dung. Nhưng, theo các chuyên gia am hiểu thị trường, đây đang là chiêu tung hỏa mù, nhằm lái thị trường theo hướng mà DN muốn. Các nhà đầu tư đang “mượn” lời giới truyền thông để phục vụ cho mục đích khác của mình.


Thực ra, xu hướng bão hòa của thị trường căn hộ cao cấp ở Hà Nội là có. Điều này đã được dự báo từ vài năm trước. Nhưng có cần thiết phải đay đi đay lại ở thời điểm này? Hãy nhìn vào các dự án đang triển khai của DN để biết đáp án thật cho “ngả bài” này của DN. Như Sông Đà Thăng Long, vốn thành danh với dự án Văn Khê và tổ hợp chung cư cao cấp USilk City (Q.Hà Đông), song tới nay, hai dự án này đã bán hết hàng từ khá lâu. "Con cá mập" này giờ hầu như không còn dự án lớn nào tại Hà Nội, thay vào đó, họ đã xuôi Nam và có những dự án lớn đang rất cần khách hàng ở Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) hay TP.HCM. Và hướng “lái” khách hàng đến nơi khác mà họ đang đầu tư là một mục tiêu khác xa hơn.

Theo Ngọc Lý (Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.