Đó là khẳng định của TS.Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tại Hội thảo “Cơ hội nào cho thị trường bất động sản 2012” diễn ra tại TP.HCM cuối tuần này.
Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam bắt đầu đình trệ từ tháng 11/2007 và kéo dài đến nay đã hơn bốn năm. Theo TS.Lê Xuân Nghĩa, khoảng thời gian trì trệ như vậy là quá dài so với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. TS.Lê Xuân Nghĩa cho rằng, mấu chốt nằm ở chỗ lãi suất, mà muốn giảm lãi suất thì tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng phải được giữ ổn định.
Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng vừa và nhỏ đang rất khó khăn về thanh khoản, họ buộc phải tăng lãi suất huy động để bù đắp khó khăn này. Trong khi đó, một số ngân hàng lớn mặc dù đang dư thừa vốn nhưng vẫn đề phòng rủi ro về thanh khoản nên dè dặt cho vay.Bên cạnh tính thanh khoản, nhiều ngân hàng, kể cả ngân hang lớn đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu tràn lan. Theo các chuyên gia, tính lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đang trở thành một vấn nạn đáng báo động.
Dẫn chứng cho nhận định này, TS.Lê Xuân Nghĩa cho biết, mặc dù nợ xấu của các ngân hàng tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực nhưng lợi nhuận lại cao ngất ngưởng, cao hơn cả các nước này. Đây rõ ràng là nghịch lý. TS.Nghĩa thẳng thắn: “Lợi nhuận họ chia chác cho cổ đông, còn nợ xấu đẩy sang cho Chính phủ gánh”.
Từ thực trạng trên, TS.Lê Xuân Nghĩa cho rằng, phương thức giải quyết tính thanh khoản của các ngân hàng trong thời điểm này vẫn là câu hỏi lớn. “Giải được bài toán thanh khoản, dòng vốn cho thị trường BĐS mới hy vọng được giải cứu”, TS.Nghĩa nhìn nhận.
Chưa có chuyện “bán tháo”
Cũng tại Hội thảo “Cơ hội nào cho thị trường bất động sản 2012”, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường khẳng định: “Trong thời điểm này chưa có chuyện bán tháo thị trường bất động sản”.
Để chứng minh cho nhận định của mình, ông Đặng Hùng Võ cho biết, bất động sản mặt phố, hoặc ở những vị trí thuận lợi vẫn đang tăng giá, ít nhất là tăng theo tỷ lệ giá đồng tiền. Mặt khác, theo chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành bất động sản này, truyền thống người Việt Nam vẫn chuộng nhà có đất và những dự án nhà liền đất cũng đang giữ giá, chứ không giảm.
Giải thích vì sao có nhiều dự án giảm giá trong thời gian vừa qua, ông Đặng Hùng Võ cho biết, chủ yếu đó là những dự án chung cư và sự giảm giá này không mang tính hệ thống. “Thị trường bất động sản trầm lắng, chuyện giảm giá các dự án nhỏ lẻ là đương nhiên, vì có giảm giá mới có người mua, mới xoay vòng vốn”, ông Đặng Hùng Võ nhận định.
Theo ông Đặng Hùng Võ, ngoại trừ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, phần lớn các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực đều đứng vững, mặc dù giao dịch bị giảm đáng kể. “Họ thà chấp nhận giảm lượng khách hàng chứ không dễ gì họ chịu bán tháo, đó cũng là một đặc điểm nổi bật của thị trường bất động tại Việt Nam”, ông Đặng Hùng Võ thẳng thắn.
Điều khác biệt tại thị trường BĐS TP.HCM, một dự án quy hoạch đô thị sau khi cơ sở hạ tầng đã hoàn chỉnh thì giá không có gì chuyển biến, thế nhưng khi một dự án mới manh nha, thậm chí còn trên giấy thì sớm muộn cũng có làn sóng sốt giá. Giải thích hiện tượng này, TS.Lê Xuân Nghĩa cho rằng, do các nhà đầu tư cố tình úp mở thông tin nhằm đầu cơ trục lợi.
Chính vì vậy, hầu hết các chuyên gia đều có chung nhận định, để tự cứu mình, chính nhà đầu tư lúc này cần phải công khai minh bạch.
Để giải quyết bài toán khát vốn trong thị trường BĐS Việt Nam, GS.TSKH Đặng Hùng Võ vừa “hiến kế”: “Chính phủ nên cho phép thế chấp bất động sản Việt Nam tại các ngân hàng nước ngoài. Đây là một kênh huy động vốn rất lớn, khả thi và nhanh chóng. Tôi tin các ngân hàng nước ngoài sẽ đồng ý”. |