Những ngày cận Tết, tuy giá vàng tăng hoặc giảm 300.000-500.000 đồng/lượng nhưng tâm lý của người dân vẫn bình tĩnh.

Anh Lê Chân (quận 3-TPHCM) cho biết anh có ý định mua 10 lượng vàng nhưng còn chờ đợi diễn biến mới của thị trường. Nhiều người cũng có nhu cầu nắm giữ vàng, USD nhưng vẫn không tham gia thị trường.

Giá cả bất hợp lý

Thực tế cho thấy sau khi giảm 300.000 đồng/lượng, sáng 29-1, giá vàng trong nước bất ngờ tăng 450.000 đồng/lượng, lên mức 35,55 triệu đồng/lượng, song đến buổi chiều lại giảm 150.000 đồng/lượng, xuống còn 35,4 triệu đồng/lượng. Đến ngày 30-1, vàng lại leo lên 35,6 triệu đồng/lượng. Điểm khác biệt so với nhiều cơn sóng vàng của năm 2010 là người dân không mấy mặn mà mua bán vàng dù giá tăng hay giảm.

Giới kinh doanh vàng tham gia thị trường chủ yếu là người vừa nhận tiền lương, thưởng hoặc người kinh doanh các loại hàng hóa vào dịp Tết chuyển một phần vốn sang vàng để phòng thủ nhưng chỉ mua với số lượng nhỏ.

Còn người mua bán vàng chuyên nghiệp đã ôm đủ hàng vào thời điểm vàng có giá 35,7 triệu đồng/lượng đang “canh me” giá vàng đi lên để cắt lỗ. Vì thế, giao dịch vàng trong gần 10 ngày qua hết sức ế ẩm.

Trong khi đó, các đại gia vàng quốc tế liên tục bán ra, trong 2 tuần cuối của tháng 1-2011, quỹ đầu tư SPDR Gold Trust đã bán 53 tấn vàng nhưng chỉ mua vào 20 tấn vàng. Giá vàng thế giới từ trên 1.400 USD/ounce lùi về 1.312 USD/ounce, sau đó tăng lên 1.337 USD/ounce (mức giá đóng cửa ngày 29-1).

Nhiều chuyên gia phân tích thị trường vàng thế giới đang có xu hướng đi xuống. Hiện giá vàng trong nước đang cao khoảng từ 1,5 -1,8 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, do trong tháng 1-2011, các doanh nghiệp (DN) đã nhập khẩu hàng tấn vàng ở mức giá không dưới 1.360 USD/ounce nên khi giá vàng thế giới giảm thì giá vàng trong nước giảm rất ít.

Tỉ giá sẽ biến động nhẹ?

Trên thị trường ngoại tệ, lãi suất tiết kiệm USD đã lên tới 6,35%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất USD nóng lên có thể kích thích người dân chuyển vốn sang ngoại tệ nhưng thực tế giao dịch USD vẫn ế ẩm.

Tỉ giá VNĐ/USD tự do chỉ biến động xoay quanh 21.000 đồng/USD. Mặt khác, lãi suất đầu vào tăng lên đẩy lãi suất cho vay USD lên 9%-10%/năm sẽ làm cho DN dè dặt vay ngoại tệ; đồng thời cận và sau Tết, nhu cầu nhập khẩu thường không cao, trong khi cung USD từ kiều hối lại dồi dào nên không có lý do gì làm tăng tỉ giá.

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, nhiều khả năng sau Tết, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỉ giá theo hướng tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng nhưng giảm biên độ xuống 1%.

Khi đó, cơ quan quản lý sẽ dễ dàng điều chỉnh tỉ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường hơn so với biên độ hiện nay là 3%. Do thuế suất được tính trên cơ sở tỉ giá bình quân liên ngân hàng nên DN sẽ thận trọng hơn khi nhập khẩu hàng hóa làm giảm cầu USD, góp phần cải thiện tình hình nhập. Vì thế, sau Tết, tỉ giá sẽ biến động không đáng kể.

Nhiều chuyên gia tài chính cũng cho rằng sau khi tỉ giá được điều chỉnh theo cơ chế mới, tỉ giá trong và ngoài ngân hàng tiến sát nhau hơn. Thị trường ngoại tệ sẽ không bị xáo trộn bởi tỉ giá đã tăng vào quý IV/2010. Việc điều chỉnh tỉ giá trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ sẽ khiến các DN và người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng.

Cafeland.vn - Theo Người Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland