Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán là một trong những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh mua bán vàng và có thể bị tích thu.

Trước thông tin NHNN nới lỏng về tín dụng cho BĐS cùng với một số vốn sẵn có, chị Minh Hằng (Tôn Đức Thắng, Hà Nội) khẩn trương tìm mua nhà. Tuy nhiên, điều chị Hằng ngạc nhiên là người bán nhà vẫn báo giá nhà bằng vàng.

Thắc mắc này được chủ nhà giải thích, thứ nhất, đồng nội tệ vẫn chưa thực sự ổn định; thứ hai, lãi suất VND hiện nay bắt đầu hạ và theo như tuyên bố của Thống đốc NHNN sẽ còn hạ nhanh và nhiều trong thời gian tới; thứ ba, giá vàng trên thế giới và trong nước vẫn đang hạ nhưng không thể hạ sâu mà nhiều khả năng sẽ tăng trong thời gian tới, do khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn hiện hữu. Đặc biệt, Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã được công bố, trong đó chỉ rõ “quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật”. “Do vậy, vị chủ nhà trên đã quyết định bán nhà và sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán, chứ không dùng VND”, chị Hằng nói.

Tuy nhiên, vị chủ nhà trên đã không biết rằng, điều này vi phạm Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo Nghị định, mọi giao dịch mua, bán nhà đất phải sử dụng VND làm phương tiện thanh toán. Điều này đã được thể hiện khá rõ tại điểm 4, Điều 19: sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán là một trong những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh mua bán vàng.

Mặc dù Nghị định không nêu rõ chế tài xử phạt khi sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán, nhưng một lãnh đạo NHNN cho biết, khi Nghị định 24 có hiệu lực từ ngày 25/5/2012, NHNN sẽ tiến hành kiểm tra quyết liệt việc người dân dùng vàng làm phương tiện thanh toán.

Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo Nghị định 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng như sau: Phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng đối với một trong những hành vi: thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng vàng với nhau không đúng quy định của pháp luật; kinh doanh, mua, bán vàng không đúng quy định của pháp luật…

Phạt tiền từ 300 - 500 triệu đồng đối với cá nhân và tổ chức vi phạm một trong những hành vi: hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ, vàng mà không có giấy phép của NHNN; niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng không đúng quy định của pháp luật…

Bên cạnh việc nâng mức phạt, Nghị định 95 bổ sung chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm là: thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng vàng với nhau không đúng quy định của pháp luật; kinh doanh, mua, bán vàng không đúng quy định của pháp luật; tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ hoặc Giấy phép hoạt động kinh doanh vàng trong thời hạn 12 tháng khi vi phạm lần đầu và tước không thời hạn khi tái phạm đối với các đại lý đổi ngoại tệ hoặc tổ chức kinh doanh vàng vi phạm.

Bên cạnh việc nâng mức phạt, Nghị định 95 bổ sung chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm là tịch thu tang vật là số ngoại tệ, đồng Việt Nam hoặc vàng đối với một số hành vi vi phạm. Do vậy, cả người mua và người bán đều phải chú ý khi có ý định dùng vàng làm phương tiện thanh toán nếu không muốn bị tịch thu vàng.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.