29/09/2012 9:16 PM
Đến 20/9, tăng trưởng tín dụng ước khoảng 2,35% so với cuối năm ngoái, có chuyên gia cho rằng, không nên sốt ruột khi tín dụng tăng thấp, hãy để quy luật đào thải những doanh nghiệp sử dụng vốn tín dụng bừa bãi. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phải nghiêm khắc với những ngân hàng thiếu cẩn trọng trong cho vay.

Đến 20/9, tăng trưởng tín dụng ước khoảng 2,35% so với cuối năm ngoái - Nguồn ảnh: Internet.

Trước tình hình tăng trưởng tín dụng ảm đạm, nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế tiếp tục thiếu vốn, tốc độ phá sản doanh nghiệp gia tăng, việc làm mới ít được tạo thêm và tác động xấu đến các mặt của đời sống xã hội.

Nhưng, dưới góc nhìn của ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính độc lập thì không nên quá ồn ào với chuyện tín dụng tăng thấp. Ông Ánh nói: “Tại sao cứ phải tăng trưởng tín dụng mỗi năm mấy chục phần trăm thì mới đảm bảo tăng trưởng kinh tế mấy phần trăm? Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là quy mô tín dụng đang ở mức 125% của GDP và một bộ phận lớn của kênh vốn tín dụng đã bị sử dụng bừa bãi, khi doanh nghiệp đầu cơ vào bất động sản, chứng khoán mà không tạo ra tăng trưởng kinh tế thực chất. Vì thế, lạm phát cứ triền miên từ năm này đến năm khác”.

Ông Ánh phân tích thêm, trong lúc này, tăng trưởng tín dụng cần phải âm thay vì tăng trưởng dương ở mức cao như các năm trước, buộc các doanh nghiệp phải cân đối lại dòng tiền, bán bớt tài sản trót đầu cơ, thu hồi vốn để sản xuất kinh doanh thay vì đòi cho vay mới, đòi tăng trưởng tín dụng.

Đơn cử, một doanh nghiệp đã vay 1 tỷ đồng, dự kiến sẽ lãi 1 triệu đồng trong năm tới nhưng vì sử dụng vốn thiếu cẩn trọng, không những không lãi mà còn có nguy cơ mất vốn vay, nếu bây giờ lại đòi ngân hàng cho vay thêm 100 triệu nữa, chỉ để làm ra 1 triệu đồng tiền lãi là không thể chấp nhận được. Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, càng gia tăng tín dụng, càng đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn vĩ mô.

Trên thực tế, so sánh ở một số con số giữa tín dụng và tăng trưởng sẽ thấy rất rõ. Năm 1995, quy mô tín dụng cho nền kinh tế chỉ 20% GDP trong khi tốc độ tăng GDP lên tới 9,5%. Nhưng đến hết 9 tháng năm 2012, tín dụng lên tới mức 125% GDP (tương đương 2,8 triệu tỷ đồng) mà GDP chỉ tăng trưởng chỉ 4,73%.

Một câu hỏi đặt ra ở đây là ứng xử của Ngân hàng Nhà nước như thế nào trước thực tế tăng trưởng tín dụng hiện nay? Thông thường, muốn tín dụng tăng cao thì nhà điều hành sẽ phải nới lỏng tiền tệ hơn, điều hành lãi suất theo hướng giảm sâu.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 9 đến nay, mặc dù Ngân hàng Nhà nước vẫn cung vốn cho thị trường nhưng chỉ nhằm mục đích giữ ổn định thanh khoản, kể cả khi trong tháng 9/2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ bơm ròng vào nền kinh tế thông qua tổng lượng tín phiếu đáo hạn có thể lên tới 15 nghìn tỷ đồng.

Sự cẩn trọng đó không ngoài mục đích là kiềm chế lạm phát và muốn tránh xu hướng lặp lại tình trạng găm giữ ngoại tệ khi chênh lệch lãi suất giữa ngoại tệ và VND bị thu hẹp.

Bởi vậy, cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước không phát đi một tín hiệu nào cho thấy, trần lãi suất huy động sẽ giảm so với trước đó. Vì thế, có thể nói, Ngân hàng Nhà nước cũng không sốt ruột với chỉ số tín dụng tiếp tục tăng thấp qua 9 tháng.

Tăng trưởng nhờ thâm dụng vốn đã trở thành tâm điểm của nhiều diễn đàn, hội thảo từ gần đây, bởi vậy, khi xuất hiện vấn đề “nóng” tín dụng tăng trưởng quá thấp, nhiều ý kiến cho rằng, phải coi đó là cơ hội cho sự đào thải.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đại Lai phân tích, đừng lo huy động tăng 10,26% trong khi tín dụng chỉ tăng 1,6%. Không ngân hàng nào dại dột để vốn chết như vậy. Họ sẽ mua trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, đầu tư tài chính và cả đảo nợ, còn cho vay đúng bản chất tín dụng thì cũng là vay mới trả nợ cũ. Với tình hình này, nhiều ngân hàng đang tự biến mình thành công ty tài chính.

Theo quy định, nguồn vốn của công ty tài chính là từ vốn góp cổ đông, huy động qua trái phiếu công ty, không được mở tài khoản tiền gửi; trong khi kênh nguồn vốn của ngân hàng thương mại lại đa dạng hơn: vốn cổ đông, tài khoản tiền gửi, trái phiếu tổ chức tín dụng, trái phiếu công ty, vốn vay Ngân hàng Nhà nước... nhưng hiện đang có tình trạng “công ty tài chính hóa ngân hàng” đối với đầu ra của dòng vốn.

Có nghĩa, trong giai đoạn hiện nay, các ngân hàng không dại gì để đồng vốn nằm chết trong két sắt mà đang tích cực gia tăng chức năng đầu tư tài chính thay vì đẩy vốn qua kênh tín dụng.

Tất nhiên, tín dụng tăng thấp là do doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận vốn hoặc lãi suất vẫn quá cao so với khả năng sinh lời.

Cũng theo ông Lai, lượng vốn tín dụng tăng hiện nay phần lớn là để đảo nợ, cho vay mới trả nợ cũ, nhằm làm sạch bảng tài chính của cả ngân hàng và doanh nghiệp. Vì thế, trước thực tế này, Chính phủ phải nghiêm khắc hơn với các ngân hàng.
Theo Nguyễn Hoài (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.