Theo
thông tin từ các ngân hàng thương mại, từ đầu năm 2012 đến nay, lượng
khách hàng có nhu cầu vay ngoại tệ tăng nhanh. Nhiều ngân hàng đã tung
ra chương trình cho vay ngoại tệ khá hấp dẫn, chỉ 5 - 6%/năm. So với mức
lãi suất tiền đồng phổ biến 18 - 22%/năm hiện nay, đây là lãi suất vô
cùng hấp dẫn.
Chênh lệch lãi suất là lý do khiến tín dụng ngoại tệ luôn hấp dẫn với doanh nghiệp từ năm 2010 đến nay. Cụ thể, năm 2010, tín dụng ngoại tệ tăng đến 48,45%. Năm 2011, nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ, tín dụng ngoại tệ giảm còn 18,7% song vẫn cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng tiền đồng (chỉ 10,2%).
Đầu
năm 2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã khẳng định:
“Nếu loại trừ những yếu tố bất trắc thì có thể nói thị trường ngoại hối
năm 2012 sẽ rất ổn định. Biến động của tỷ giá đồng USD có thể ở trong
khoảng 2 - 3%”. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng dự báo, năm 2012 cán cân
tổng thể sẽ thặng dư khoảng 3 tỷ USD.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng cho hay, thị trường ngoại tệ ở TP.HCM khá ổn định. Tâm lý thị trường, cùng với hiện tượng nắm giữ ngoại tệ, đầu cơ ngoại tệ đã giảm nhiều so với trước đây.
Dự báo tỷ giá ổn định, lượng ngoại tệ dồi dào khiến doanh nghiệp kỳ vọng dễ tiếp cận tín dụng ngoại tệ.
Tuy vậy, cho vay ngoại tệ năm
2012 sẽ không dễ dàng, thậm chí còn khó khăn hơn năm 2011. Ngân hàng Nhà
nước tuyên bố, dòng tín dụng ngoại tệ năm 2012 sẽ tiếp tục được “nắn”
tới những đối tượng ưu tiên. Năm 2011, việc nắn dòng tín dụng ngoại tệ
của Ngân hàng Nhà nước đã có hiệu quả, chủ yếu hướng vào khu vực xuất
nhập khẩu và trên thực tế tín dụng cho xuất khẩu đã tăng tới 58%.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám
đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết, định hướng của đơn vị
này trong năm 2012 là kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ để đảm
bảo tăng tưởng tín dụng bằng ngoại tệ phù hợp với khả năng huy động vốn
và hạn chế đô la hóa nền kinh tế. Thậm chí, đơn vị này còn kiến nghị
Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành, sửa đổi cơ chế cho vay bằng ngoại tệ
theo hướng quy định điều kiện chặt hơn đối với khách hàng cho vay ngoại
tệ, nhưng lại không có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh
doanh.
Một lãnh đạo của ngân hàng
Vietcombank cũng khẳng định, tín dụng ngoại tệ năm 2012 có thể tăng cao
hơn tín dụng tiền đồng, nhưng việc lựa chọn đối tượng sẽ khắt khe hơn.
Những doanh nghiệp không có nguồn ngoại tệ trả nợ sẽ rất khó vay ngoại
tệ ngân hàng.
Được biết, hiện nay, các ngân hàng thương mại đều đảm bảo trạng thái ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước là có cơ sở.
Năm
2011, dù thị trường ngoại tệ ổn định, trạng thái ngoại tệ của các ngân
hàng nhìn chung đều an toàn, song Ngân hàng Nhà nước nhận định, có tình
trạng một số tổ chức tín dụng có hệ số sử dụng vốn vượt 100%, một số tổ
chức tín dụng huy động vốn nước ngoài để tăng trưởng tín dụng cao, tiềm
ẩn rủi ro khi các nguồn vốn nước ngoài bị rút đột ngột. Trên thị trường
vẫn còn tình trạng các tổ chức tín dụng lách các quy định về tỷ giá làm
tăng bất ổn trên thị trường ngoại hối…
Với những bất ổn này, chắc chắn năm 2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý chặt hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ. Vì vậy, tín dụng ngoại tệ dù hấp dẫn, song không có nhiều cửa cho doanh nghiệp tiếp cận.