08/02/2017 2:05 PM
Quý I hàng năm luôn là mùa thấp điểm cho vay. Năm nay, tình hình tuy có khác nhưng khó có thể lạc quan.
Các ngân hàng kỳ vọng thị trường bất động sản ấm dần lên sẽ là cơ hội để mở rộng tín dụng
Cùng với xu hướng tăng khuyến mãi huy động tiền gửi tiết kiệm, các nhà băng tranh thủ tung gói tín dụng ưu đãi đầu năm với kỳ vọng đẩy mạnh hoạt động cho vay ngay tháng sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tiền tệ, dư nợ tín dụng khó tăng mạnh ngay quý I/2017.
Ngay sau kỳ nghỉ lễ, nhiều ngân hàng đồng loạt thực hiện các chương trình ưu đãi tín dụng. Chẳng hạn, trong tháng 2/2017, VIB tiếp tục áp dụng lãi suất vay ưu đãi từ 7,6%/năm cho các khoản vay mới để mua, xây dựng, sửa chữa nhà và mua ô tô. Từ ngày 1/1, CB triển khai ra mắt gói sản phẩm cho vay với mức cho vay ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm tập trung cho nhóm khách hàng bán lẻ (cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ). Lãnh đạo CB cho biết, năm 2017, toàn hệ thống Ngân hàng sẽ tập trung toàn lực cho hoạt động cấp tín dụng.
Đối với OCB, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc cho biết, định hướng phát triển của Ngân hàng năm 2017 là tập trung khai thác các cơ hội ngắn hạn và xây dựng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hay mới đây, ACB đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, lãi suất từ 7%/năm, với tổng hạn mức lên đến 4.000 tỷ đồng.
Tuy còn phải chờ đến kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 mới trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay, song hầu hết lãnh đạo các ngân hàng cho biết, họ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn năm 2016. Chẳng hạn, Eximbank là một trong những nhà băng có mức tăng trưởng tín dụng âm đến hết tháng 9/2016 và chỉ trở lại trạng thái dương 2% cuối năm qua, nhưng ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, kế hoạch tăng trưởng tín dụng đặt ra năm nay là 14%.
Mặc dù vậy, các nhà băng thừa nhận, nhu cầu vốn tín dụng tăng trưởng mạnh trước dịp tết Nguyên Đán, còn sau thời gian trên sẽ giảm trở lại, do quý I thường có mức tăng trưởng tín dụng chậm nhất so với các quý trong năm.
Trong năm 2017, các ngân hàng kỳ vọng thị trường bất động sản ấm dần lên sẽ là cơ hội để mở rộng tín dụng, nhất là với cho vay mua nhà. Phó tổng giám đốc ACB, ông Từ Tiến Phát cho biết, dư nợ tín dụng khối khách hàng cá nhân trong năm qua tăng trưởng tốt, chiếm hơn 50% tổng dư nợ của Ngân hàng (năm 2016 ACB đạt mức tăng trưởng dư nợ trên 18%).
Vì vậy, trong năm 2017, đẩy mạnh cho vay mua nhà tiếp tục là mục tiêu của ACB. Tuy nhiên, ông Phát cho rằng, khó có thể kỳ vọng tín dụng tăng trưởng mạnh trong quý I/2017. Chưa kể, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước đưa ra đầu năm là kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Các chuyên gia tài chính đưa ra nhận định, tín dụng năm 2017 sẽ cải thiện theo hướng tích cực, nhưng khó đột biến, vì còn nhiều rào cản chưa được gỡ bỏ như: quá trình xử lý nợ xấu chậm, áp lực lãi suất tăng do tác động từ các yếu tố bên ngoài...
“Chúng ta đang còn khoảng 200.000 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC chưa giải quyết. Việc giải quyết nợ xấu nhất định phải có sự tham gia của khối tư nhân”, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nói và cho rằng, để thực hiện được điều này, tỷ lệ sở hữu ở các ngân hàng trong nước cần được thay đổi.
Với việc áp dụng Basel II và xu hướng tuân thủ những quy chuẩn quốc tế, nếu chỉ có một tỷ lệ cổ phần nhỏ, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mong muốn mua lại các ngân hàng nội địa và tham gia vào quá trình tái cấu trúc, bởi họ sẽ không thể tham gia kiểm soát hoạt động ngân hàng.
Đối với xử lý nợ xấu, cần xem xét việc sử dụng ngân sách, vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mạnh dạn tham gia tái cơ cấu ngân hàng nếu họ không có sự hỗ trợ của Chính phủ về vốn và các điều kiện khác, đồng thời nên xem xét việc cho phép các ngân hàng nhỏ, nợ xấu cao và không có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính được phá sản.
Ngoài ra, theo Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, bản thân các ông chủ ngân hàng cũng sẽ phải thay đổi cách thức kinh doanh để hoạt động bền vững.
“Tôi nghĩ trong năm 2017, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng tín dụng sẽ được ưu tiên cho những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và căn cứ vào hiệu quả sử dụng vốn, đó là sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó kiểm soát tín dụng ở những lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán”, ông Hải nhấn mạnh.
Thùy Vinh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.