15/12/2018 10:50 AM
CafeLand - Thị trường bất động sản 2018 đã gần đi hết chặng đường. Bên cạnh những diễn biến tích cực, các chuyên gia đã đưa ra nhiều bình luận, trong đó đề cập đến những vướng mắc của thị trường thời gian qua, trước hết là về nguồn vốn đổ vào bất động sản.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), cho biết từ năm 2017, Nhà nước đã có động thái hạn chế tín dụng vào thị trường. Năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng tối đa mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao cho các ngân hàng chỉ là 14%, thấp hơn nhiều so với các năm trước.

NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng và hạn chế cho vay vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, đồng thời cũng nâng hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 150% lên 200% (Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN).

Theo ông Nam, các động thái nêu trên khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ người dân, do thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển mạnh.

Tín dụng bất động sản vẫn ở mức cao. Ảnh minh hoạ.

Để giảm phụ thuộc nguồn vốn ngân hàng, khoảng hai năm gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tìm đến các đối tác nước ngoài để cùng phát triển dự án. Bên cạnh đó là huy động nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, khách hàng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, với tình hình của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, tín dụng cho thị trường bất động sản cũng sẽ ảnh hưởng. Đặc biệt, việc hạn chế huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 45% xuống còn 40% cũng sẽ tác động đến thị trường bất động sản. Những ngày vừa qua, hầu hết ngân hàng đã tăng lãi suất nhằm cơ cấu lại nguồn huy động vốn.

Về tín dụng bất động sản, TS. Hiếu cho rằng vẫn ở mức cao.

“Tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng 7,5% trong ngành ngân hàng. Tôi nghĩ cao hơn nhiều. Đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro và yêu cầu các ngân hàng phải cẩn thận”, ông Hiếu lưu ý và nhận định, với những định hướng và quy định đó, thị trường bất động sản sẽ bị tác động. Các ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại phải cẩn trọng để thị trường bất động sản được thanh lọc.

Cùng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ đánh giá, vay tín dụng ở Việt Nam vẫn cao quá so với các nước. “Tín dụng đương nhiên vẫn cần phải có nhưng mặt quản lý thì phải xem xét. Trong khi công tác quản lý của chúng ta còn yếu, cơ chế thế chấp để vốn hóa bất động sản cũng có vấn đề. Giao dịch bất động sản trong tương lai dù có cơ chế bảo lãnh nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. Hai vấn đề này cần tính thực tiễn cao hơn để tránh rủi ro cho người dân”, ông Võ đề nghị.

Về nguồn vốn FDI vào bất động sản, theo ông Võ, luồng vốn FDI dồn vào Việt Nam sẽ tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng kèm theo những thách thức. Do đó, chúng ta nên cân nhắc tận dụng cơ hội này hay lại bỏ phí. “Tôi không nói tín dụng là yếu nhưng phải nói tiền tiết kiệm trong dân không ai biết có bao nhiêu. Nếu nguồn đó bỏ ra để mua bất động sản trong tương lai thì có rất nhiều tiềm năng”, ông Võ nhận định.

Đánh giá về nguồn vốn cho thị trường bất động sản thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực cho biết nhìn chung làvẫn tăng. Năm 2017, tín dụng chung của các tổ chức hệ thống tín dụng tăng 18,2%, cho vay bất động sản tăng 8%. Dự báo năm 2018 tín dụng chung tăng khoảng 15%, tín dụng bất động sản tăng khoảng 10%.

Trong 11 tháng năm 2018, dòng vốn nước ngoài khoảng 6,5 tỉ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đăng ký vào bất động sản chiếm khoảng 33% vốn đăng ký mới, đứng thứ 2 trong các ngành.

Ông Lực cho biết, một số doanh nghiệp cũng đã chủ động phát hành trái phiếu, không còn lệ thuộc quá nhiều vào hệ thống ngân hàng khi thiếu nguồn vốn. Đây là tín hiệu tích cực.

“Tuy nhiên, chi phí giao dịch của chúng ta quá lớn, đặc biệt là bất động sản, mất đến 10-30% tổng chi phí trong khi nước ngoài không cao như vậy” ông Lực nhấn mạnh.

  • Băn khoăn con số tín dụng “chảy” vào bất động sản

    Băn khoăn con số tín dụng “chảy” vào bất động sản

    CafeLand - Tại buổi toạ đàm mới đây về Thị trường bất động sản Việt Nam 2019: Xu hướng & Cơ hội đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, con số thống kê tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng 7,5% trong ngành ngân hàng là chưa phản ánh đúng thực tế. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang yêu cầu rà soát lại tín dụng chảy vào lĩnh vực này.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.