Theo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, hiện thủ đô đang thực hiện 8 dự án đường sắt đô thị. Theo tiến độ được đặt ra, tuyến số 2A (Cát Linh – Hà Đông) sẽ được hoàn thành sớm nhất, đưa vào khai thác năm 2015.
Còn tại TPHCM, theo quy hoạch sẽ có 7 tuyến tàu điện ngầm và 3 tuyến tàu điện trên mặt đất với tổng chiều dài 160km. Đây là hình thức vận chuyển khối lượng lớn trong đô thị đã được nhiều nước áp dụng và được kỳ vọng sẽ giải tỏa áp lực giao thông tại hai đô thị lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TPHCM.
Trên thực tế, các dự án đường sắt đô thị đã được khởi động từ khá lâu tại hai thành phố kể trên nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được đưa vào sử dụng.
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM cho biết khó khăn nhất đối với các dự án đường sắt đô thị là vốn. Dự tính sẽ phải chi 12 tỉ USD cho 126km đường sắt đô thị. Tuyến nào thu xếp được vốn sẽ ưu tiên triển khai trước. Khi triển khai lại gặp thêm khó khăn về giải phóng mặt bằng và chuẩn bị mặt bằng tạm để triển khai thi công.
Tuy nhiên, khi tìm được nguồn vốn vay, một vấn đề nữa phải đối mặt là công nghệ sử dụng cho dự án. Trong các dự án đường sắt đô thị được phê duyệt, mỗi tuyến lại có nguồn viện trợ khác nhau, sử dụng công nghệ khác nhau như tuyến Nhổn – Ga Hà Nội có nguồn vốn vay từ Cơ quan phát triển Pháp (AFD) sử dụng công nghệ của Pháp, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông lại sử dụng thiết bị, công nghệ Trung Quốc.