30/12/2011 9:46 AM
Với cấu trúc tài chính hiện tại, nguồn vốn cho thị trường BĐS thiếu ổn định, có tính ngắn hạn và tạo gánh nặng cho hệ thống ngân hàng thương mại. Vậy đâu là "lối thoát" cho nguồn vốn bất động sản trong năm tới?

Tìm vốn cho bất động sản năm 2012
Nhu cầu đầu tư cho thị trường BĐS thường là nhu cầu vốn dài hạn
Nguồn vốn thiếu ổn định

Nhìn lại hoạt động của thị trường BĐS cả nước trong năm 2011, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển nhà Thủ Đức, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cho rằng, Chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước quy định đến 31/12/2011 các ngân hàng thương mại phải giảm tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất (chủ yếu là BĐS và chứng khoán) so với tổng dư nợ về 16% đã gây ra tác động rất lớn, làm thị trường BĐS ảm đạm hơn, cung cầu suy giảm nghiêm trọng, giá BĐS tiếp tục đi xuống, nhưng thị trường hầu như vẫn đóng băng.

Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland nhận xét, phần lớn dòng tiền đầu tư trực tiếp vào thị trường BĐS là thông qua các doanh nghiệp phát triển BĐS hoặc nhà đầu tư cá nhân, những người mua BĐS trực tiếp. Nguồn vốn tài trợ cho doanh nghiệp và người mua nhà đa phần là vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại, nên áp lực tài chính lên hệ thống ngân hàng rất lớn. Ngân hàng thương mại với đặc tính vốn huy động là vốn vay trong dân chúng có tính chất ngắn hạn, trong khi nhu cầu đầu tư cho thị trường BĐS là nhu cầu vốn dài hạn, nên thị trường BĐS của Việt Nam luôn phải chịu áp lực thanh khoản, xoay vòng vốn đáo hạn ngân hàng. Điều này tạo rủi ro cho cả doanh nghiệp, người mua nhà và hệ thống ngân hàng thương mại, đặc biệt là khi thị trường BĐS đóng băng, khó tiêu thụ như đã từng xảy ra năm 2008 tại TP. HCM và trên phạm vi cả nước như trong thời điểm hiện nay.

Với cấu trúc tài chính hiện tại, nguồn vốn cho thị trường BĐS thiếu ổn định, có tính ngắn hạn và tạo gánh nặng cho hệ thống ngân hàng thương mại, vì phải cáng đáng phần lớn nguồn vốn đầu tư. Mô hình này đã không còn phù hợp với quy mô ngày một lớn của thị trường BĐS Việt Nam và tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ cho thị trường BĐS cũng như hệ thống ngân hàng thương mại, cho dù nhu cầu về nhà ở, nhu cầu đầu tư phát triển BĐS, phát triển kinh tế vẫn còn rất lớn.

Lối thoát cho thị trường

Trong tình hình khó khăn hiện nay, ông Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp BĐS muốn tồn tại và vượt qua khủng hoảng thì cần phải chấp nhận thay đổi để tái cơ cấu doanh nghiệp, phải sắp xếp tổ chức lại hệ thống, chủ động bố trí lại nguồn nhân lực, cắt giảm chi phí. Ngoài ra, phải điều chỉnh phương hướng kinh doanh, đưa ra các chiến lược phù hợp để thích nghi được với sự thay đổi khắc nghiệt của thị trường.

Một giải pháp khác, theo ông Hoàng, cấu trúc tài chính đầu tư vào thị trường BĐS có sự tham gia của các quỹ là mô hình tiên tiến và ưu việt, có khả năng khắc phục phần lớn khuyết tật hiện nay của thị trường BĐS Việt Nam.

"Việc tái cấu trúc thị trường tài chính và thị trường BĐS theo xu hướng này gần như là lối thoát duy nhất cho thị trường BĐS có quy mô ngày một lớn của Việt Nam", ông Hoàng nhấn mạnh.

Ông Hoàng đề xuất một số hình thức quỹ đầu tư BĐS phổ biến mà nhiều nước đang làm đạt hiệu quả là quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư phát triển BĐS, quỹ tín thác BĐS, quỹ đầu tư thế chấp BĐS…

Chủ trương về việc xây dựng hành lang pháp lý cho sự phát triển của mô hình quỹ đầu tư BĐS tại Việt Nam đã được "bật đèn xanh" trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ngày 24/11/2010. Tuy nhiên, hơn một năm trôi qua nhưng các hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng về thực thi Luật vẫn nằm trên dự thảo, chưa được ban hành.

"Mặc dù chưa có hành lang pháp lý hoàn chỉnh, nhưng quá trình tái cấu trúc mô hình đầu tư trên thị trường BĐS đã bắt đầu được thực thi và hứa hẹn những thay đổi lớn lao cho sự phát triển của thị trường BĐS trong thời gian tới", ông Hoàng nói.

Trao đổi về giải pháp huy động nguồn vốn cho thị trường BĐS trong năm 2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, phải bảo đảm tín dụng BĐS có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý, an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung.

"Trước mắt, giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng BĐS với lộ trình hợp lý, tránh gây sốc, đồng thời, áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội", ông Dũng nhấn mạnh.

Theo Minh Nhật (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.