Một khu chung cư cao cấp bên bờ sông Sài Gòn thuộc quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Đình Dũng |
Với nhiều doanh nghiệp địa ốc, khủng hoảng niềm tin còn đáng sợ hơn rất nhiều khó khăn khác mà họ đang phải đối mặt, và cho rằng làm thế nào đưa người mua quay lại thị trường đòi hỏi không chỉ ở nỗ lực của doanh nghiệp địa ốc mà còn cả từ sự can thiệp của nhà nước.
Phát biểu trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng ngày 20-10 tại TPHCM, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) cho rằng thị trường bất động sản đang cần phải cải thiện nhiều mặt, từ việc cải thiện nguồn vốn, cải thiện tính thanh khoản đến những chương trình đột phá để cải thiện niềm tin.
Ông Hiếu cho rằng để tạo thêm nguồn vốn cho thị trường cần triển khai ngay quỹ đầu tư bất động sản bằng cách chọn một vài đơn vị nòng cốt lập ngay quỹ này, sau đó niêm yết lên sàn để tạo tính thanh khoản huy động vốn.
Theo ông Hiếu, cải thiện tính thanh khoản nhằm mục đích giải quyết tồn kho, bởi đó không chỉ là vấn đề của riêng bất động sản mà còn cả lĩnh vực vật liệu xây dựng, trang trí nội thất. Đây là điều sống còn với doanh nghiệp địa ốc. Giải quyết nợ xấu bằng bàn tay của nhà nước để các ngân hàng ngồi lại với nhau, ngồi lại với doanh nghiệp cùng tháo gỡ.
Muốn cải thiện tính thanh khoản của thị trường, theo ông Hiếu, giá bán căn hộ phải giảm. Tuy nhiên giá bán lại do nhiều yếu tố cấu thành, trong đó có tiền sử dụng đất và các chi phí lãi suất, thuế. Việc giảm thuế VAT cho phân khúc căn hộ bình dân cũng sẽ giúp giảm giá sản phẩm.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Phụng Thiều, Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Gia Định, cho rằng việc thiết lập lại thị trường bất động sản là điều cần làm ngay lúc này bởi thị trường đóng băng quá lâu dù có giảm giá. Thị trường bất động sản sẽ hoạt động trở lại nếu tạo được niềm tin trên thị trường.
Ông Thiều cho rằng để giải quyết hàng tồn kho, nhà nước nên miễn giảm thuế VAT, tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà có giá từ một tỉ đồng trở xuống. Nếu làm được chuyện này sẽ giúp giảm giá nhà xuống 30-40%, giúp tái lập sức mua vì nhu cầu ở phân khúc nhà thu nhập thấp rất lớn.
Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) đề xuất nên cho người dân mua nhà trả góp với lãi suất thấp và ổn định 20-30 năm, giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản. Vì khi lãi suất thấp và ổn định thì người dân sẽ mạnh dạn mua nhà, giúp giải quyết bài toán hàng tồn kho, giải quyết bài toán đầu ra, tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp.
Theo HoREA, trong tình hình sản phẩm tồn kho đang quá nhiều, để hỗ trợ tăng tổng cầu nhanh chóng, kiến nghị chính quyền địa phương cân đối một phần vốn ngân sách và kết hợp với ngân hàng phát triển nhà, quỹ phát triển nhà và các ngân hàng thương mại đang có nợ xấu về bất động sản để mua lại hàng tồn kho hoặc mua nợ thông qua việc chuyển giao tài sản của các doanh nghiệp bất động sản, sau đó Nhà nước sử dụng các căn hộ đó để bán trả góp, cho thuê, bố trí nhà cho cán bộ công chức đang có nhu cầu nhà ở.
HoREA cũng đề xuất cho các doanh nghiệp địa ốc được nộp tiền sử dụng đất bằng đất hoặc căn hộ vì hiện nay họ đang gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn, tính thanh khoản kém, khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng với lãi suất hợp lý.
Một vấn đề nữa là diện tích căn hộ đang được cho là chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường, một phần là do quy định hiện nay. Theo quy chuẩn xây dựng thì các dự án chung cư phải tuân theo tỷ lệ 1:2:1. Nghĩa là trong một dự án cứ một căn hộ nhỏ 50-70 mét vuông thì phải có hai căn hộ vừa 75-100 mét vuông và một căn hộ lớn trên 105 mét vuông.
HoREA cho rằng nếu doanh nghiệp tiếp tục tuân theo tỷ lệ này thì số lượng hàng tồn kho các căn hộ với diện tích trên 70 mét vuông ngày càng nhiều hơn. Do vậy nên cho phép doanh nghiệp tự do xây dựng căn hộ có diện tích phù hợp để đáp ứng vừa đủ cho thị trường, tránh tình trạng tồn kho quá lớn như hiện nay.