Hòa Phát bán 7,2 triệu tấn thép năm 2022
Báo cáo bán hàng tháng 12/2022 của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cho biết, trong tháng cuối cùng của năm 2022, doanh nghiệp này đã bán được 558.000 tấn các sản phẩm thép, tăng 26% so với tháng 11 trước đó.
Sau chuỗi ngày ảm đạm, Hòa Phát bắt đầu đón tín hiệu khởi sắc khi giá thép và sản lượng bán hàng thép các loại ghi nhận bật tăng trở lại
Trong số sản lượng thép được tiêu thụ ở giai đoạn này, thép xây dựng thành phẩm chiếm 358.000 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Ngoài ra, sản phẩm bán thép cuộn cán nóng HRC đạt 144.000 tấn, còn lại là các sản phẩm phôi thép, ống thép và tôn mạ.
Tập đoàn Hòa Phát cho biết, trong bối cảnh thị trường thép gặp nhiều khó khăn khi giá thép thế giới lao dốc tạo sức ép lớn lên giá thép trong nước. Bên cạnh đó, tình trạng xung đột giữa Nga và Ukraine cùng với các khó khăn của nền kinh tế thế giới dẫn đến nhu cầu suy giảm, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu thép của doanh nghiệp này.
Tính trong cả năm vừa qua, Hòa Phát đã bán ra thị trường tổng cộng 7,2 triệu tấn thép bao gồm phôi, thép xây dựng, HRC, ống thép và tôn, giảm 7% so với năm 2021.
Về tỷ trọng các sản phẩm bán được trong năm 2022, thép xây dựng và HRC đóng góp chính vào sản lượng bán hàng lần lượt đạt 4,2 triệu tấn và 2,6 triệu tấn. So với năm 2020, sản lượng bán thép xây dựng tăng 10% và chiếm 59% trong tổng sản lượng thép các loại.
Ngoài ra, những sản phẩm thép hạ nguồn như ống thép, tôn mạ năm 2022 đạt được những kết quả đáng kể trong bối cảnh thị trường gặp nhiều bất lợi. Cụ thể, sản lượng ống thép Hòa Phát đạt gần 750.000 tấn, tăng khoảng 11% so với năm 2021. Mặt hàng tôn mạ đạt 328.000 tấn, về lượng giảm 23% so với cùng kỳ do thị trường xuất khẩu sa sút, riêng sản lượng bán hàng nội địa tăng khoảng 21%.
Năm 2022 cũng ghi nhận hoạt động xuất khẩu đóng góp quan trọng cho sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát với việc xuất khẩu phôi thép và thép xây dựng đạt 2,6 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Theo đó, việc đẩy mạnh xuất khẩu đã giúp tập đoàn đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng do sự suy yếu của bất động sản, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.
Với sản lượng tiêu thị kể trên, Hòa Phát tiếp tục là nhà sản xuất có thị phần lớn nhất về thép xây dựng, ống thép trong nước. Trong khi đó, tôn Hòa Phát có mặt trong top 5 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất.
Khởi động lại 1 lò cao
Trước đó, theo nguồn tin từ công ty tư vấn Kallanish Commodities, Tập đoàn Hòa Phát cũng đã khởi động lại một lò cao ở Hải Dương và nâng công suất thép thanh thêm 700,000 tấn/năm.
Nguồn tin này cho biết, lò cao này đã được khởi động lại từ ngày 27/12/2022 và sẽ mất 7 ngày để bắt đầu sản xuất phôi. Đây cũng là một tín hiệu cho thấy tình hình thị trường thép xây dựng đã cải thiện hơn. Ngoài ra, nhà sản xuất thép này cũng đang dự tính khởi động lại thêm 1 lò cao, nhưng sẽ tùy thuộc vào tình hình thị trường và nhu cầu thép.
Được biết, Hòa Phát đã tạm dừng hoạt động 3 lò cao trong 2 tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, các lò cao này không đóng hoàn toàn mà được duy trì ở mức nhiệt độ thấp nhất có thể trong 2 tháng qua. Nhờ đó, quá trình khởi động lại sẽ ngắn hơn.
Hồi cuối tháng 11/2022, Hòa Phát quyết định dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Hòa Phát Dung Quất, 2 lò cao ở Hòa Phát Hải Dương. Phía Hòa Phát cho biết, lý do dừng hoạt động lò cao được đưa ra là để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh của Tập đoàn được tiếp tục duy trì. Động thái này được Hòa Phát nhận định "mang tính sống còn của doanh nghiệp" trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn.
Thép xây dựng Hòa Phát
Hiện Hòa Phát đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép, gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương. Ngoài ra, Hòa Phát còn một lò điện tại Hưng Yên để sản xuất thép từ phế liệu, công suất 400.000 tấn thép/năm.
Tăng giá thép xây dựng
Bên cạnh sự cải thiện về sản lượng bán hàng, Hòa Phát mới đây cũng đã có thông báo tăng giá bán mặt hàng thép xây dựng trong nước.
Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát đã tăng giá mạnh sản phẩm thép cuộn CB240 thêm 200.000 đồng/tấn, lên mức 14,74 triệu đồng/tấn và thép thanh vằn D10 CB300 tăng 380.000 đồng/tấn, lên thành 15,02 triệu đồng/tấn tại khu vực miền Bắc.
Tại khu vực miền Nam, thép Hòa Phát cũng thông báo tăng 350.000 đồng/tấn và 190.000 đồng/tấn, giá hai loại thép trên. Như vậy, giá thép xây dựng mới nhất trong ngày 6/1 của Hòa Phát lần lượt ở mức 14,71 triệu đồng/tấn và 14,76 triệu đồng/tấn.
Tương tự tại miền Trung, giá thép cuộn CB240 của thương hiệu này cũng tăng 350.000 đồng/tấn, lên 14,66 triệu đồng/tấn và thép D10 CB300 tăng 210.000 đồng/tấn lên 15,01 triệu đồng/tấn.
-
Sau Hòa Phát, tới lượt Formosa thông báo cắt giảm 15% sản lượng thép
Sau một loạt ông lớn ngành thép như Hòa Phát, Pomina, Formosa Hà Tĩnh là cái tên tiếp theo thông báo sẽ cắt giảm sản lượng thép.
-
Sau tuyên bố “NHƯỜNG SÂN” của ông chủ Hòa Phát, thị phần ngành thép 2024 đang được phân chia ra sao?
Mặc dù đang dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép nhưng Chủ tịch Trần Đình Long cho biết thời gian tới, Hòa Phát sẽ tập trung phát triển các loại thép chất lượng cao, nhường sân chơi cho những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng cơ bản....
-
Là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, chiếm 15-20% chi phí xây dựng, giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025
Trong năm 2025, MBS kỳ vọng giá thép xây dựng có thể tăng 7% lên 590 USD/tấn.
-
Triển vọng của ngành thép trong năm 2025: Chờ đợi cú hích từ đầu tư công
Năm 2025 được dự đoán là giai đoạn đầy triển vọng cho ngành thép nội địa Việt Nam. Với sự phục hồi kinh tế, nhu cầu đầu tư hạ tầng gia tăng và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, ngành thép đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ....