CafeLand - Hiện nay, khái niệm “đô thị sinh thái” hay “đô thị xanh” được nhắc đến khá nhiều trong lĩnh vực bất động sản. Nhờ áp dụng các khái niệm này trong thiết kế và trong các thông điệp truyền thông, nhiều dự án bất động sản đang thu hút sự chú ý của nhiều người.

Tuy nhiên, những người trong ngành cho rằng khái niệm “đô thị xanh” vẫn còn rất mới ở Việt Nam, và hiện chưa có bộ nguyên tắc nào làm chuẩn để đánh giá hoặc xếp loại một dự án bất động sản.

Tại buổi hội thảo Đô thị học- những vấn đề lý thuyết và thực tiễn, phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học, trường Đại học KHXH&NV, đã trình bày các nguyên tắc thiết kế đô thị sinh thái. Theo đó, một số ý có thể xem xét để trở thành bộ nguyên tắc đánh giá đô thị xanh.

1/ Xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên có sẵn tại chỗ và khu vực

Khi tiến hành xây dựng một công trình bất động sản, các hoạt động làm thay đổi hình thái tự nhiên như đào đắp, san ủi, lấn chiếm, di dời là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cần hạn chế đến mức tối đa các hoạt động này, hoặc chí ít cũng không làm ảnh hưởng đến môi trường vật chất có sẵn tại khu vực.

Trong một số trường hợp, việc nương theo tự nhiên, nương theo điều kiện có sẵn lại tạo ra một hệ giá trị đặc trưng của công trình bất động sản đó.

2/ Để môi trường sinh thái có thể tự cân bằng

Quá trình xây dựng và vận hành các công trình bất động sản cần ưu tiên khả năng tự bảo vệ, tự tái tạo, tự cân bằng của tự nhiên.

Lấy ví dụ minh họa, nước thải, nước tẩy rửa ăn mòn, nước xà phòng giặt quần áo của các khách sạn, resort ven biển cần được xử lý nghiêm ngặt trước khi thải ra môi trường bên ngoài để đảm bảo không ảnh hưởng đến khả năng diệt khuẩn của nước biển.

3/ Giảm đến mức thấp nhất tiêu tốn năng lượng và nước

Phần lớn các công trình cao tầng hiện nay tiêu tốn rất nhiều điện năng để vận hành, từ thang máy, điều hòa, hệ thống chiếu sáng và các nhu cầu sử dụng năng lượng khác.

Do đó, việc thiết kế công trình mở, tận dụng triệt để thiên nhiên như đưa gió tự nhiên vào công trình, trồng nhiều cây xanh, đưa màu xanh lên tầng cao, làm hồ nước giảm nóng trên sân thượng, giếng trời, sử dụng vật liệu ít hấp thụ nhiệt hoặc quy hoạch đô thị theo nguyên tắc thấp dần tính từ lõi đô thị ra sông là một bước đi quan trọng và cần được nghiên cứu bài bản.

4/ Đảm bảo nguyên tắc bù khi xây dựng công trình và khai thác đưa vào sử dụng

Nguyên tắc này có thể được hiểu đơn giản là, lấy đi của tự nhiên bao nhiêu thì phải trả lại bấy nhiêu.

Bốn nguyên tắc trên được đề ra từ quan điểm nhân văn và quy hoạch nhân văn, tất nhiên không thể trở thành một chuẩn mực để đánh giá hoặc xếp loại bất kỳ đô thị nào. Tuy nhiên, hy vọng bốn nguyên tắc đó có thể góp phần vào bài toán chung của đô thị ngày nay.

Gia Hân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.