28/04/2011 2:05 AM
Luật kinh doanh BĐS và các văn bản hướng dẫn thi hành khi đi vào cuộc sống đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh BĐS phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã phát sinh không ít vướng mắc.

Ảnh minh họa

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 (Chương trình 585 – theo Quyết định số 585/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Tư pháp và Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã tổ chức Hội thảo toạ đàm “Những vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh BĐS: thực trạng và giải pháp”.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực trong việc hoàn thiện hệ thống, nâng cao tính pháp lý thì một trong những hạn chế lớn của pháp luật về kinh doanh BĐS hiện còn tản mạn và dàn trải. Tính riêng về đất đai đã có hàng trăm văn bản với nhiều cấp độ và hiệu lực khác nhau.

Tình trạng này dẫn tới một số vướng mắc, xảy ra trùng lắp, mâu thuẫn, một số trường hợp văn bản cấp dưới trái với Luật, Nghị định. Chính vì vậy, lại bị sửa đổi, bổ sung quá nhiều làm cho người thực hiện, áp dụng pháp luật bị rối, không thể nắm bắt kịp thời hay áp dụng đầy đủ các quy định.

Nhiều ý kiến khác cũng cho biết những khó khăn về một số thủ tục hành chính liên quan đến việc giao đất, xây dựng quy hoạch… còn kéo dài, dẫn đến nhiều dự án khó khăn trong khâu tiếp cận đất đai và triển khai chậm tiến độ. Có trường hợp nhà đầu tư kinh doanh BĐS còn gặp phải tình trạng nhũng nhiễu khi thực hiện những thủ tục hành chính liên quan về đầu tư kinh doanh BĐS.

Ở một khía cạnh khác, phân tích thực trạng cho thấy, xét trên phạm vi cả nước, thị trường BĐS phát triển mạnh ở thành thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, những nơi phát triển, sức mua của người dân tăng cao, trong khi ở khu vực nông thôn, cùng có điều kiện kinh tế chậm phát triển, vùng sâu, vùng xa lại kém sôi động. Còn xét về cơ cấu, chủng loại hàng hoá BĐS, thị trường BĐS nhà ở cao cấp, nhà ở chung cư, văn phòng cao cấp cho thuê, đất dự án… thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư, kinh doanh BĐS. Trong khi đó, loại nhà ở xã hội, nhà chung cư bán cho người có thu nhập thấp, người nghèo… lại ít nhận được sự quan tâm tìm hiểu, sự đầu tư của các chủ thể kinh doanh BĐS.

Điều đáng nói ở đây là thực trạng chưa cân bằng trên của thị trường BĐS Việt Nam ở trên chưa được pháp luật kinh doanh BĐS điều tiết, đưa ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Điều này thể hiện qua các mặt, chưa có các quy định đầy đủ, rõ ràng và đồng bộ nhằm xác lập cơ chế ưu đãi về cho vay vốn đối với doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, người nghèo; còn thiếu các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đầu tư kinh doanh BĐS ở khu vực kém phát triển trong việc tiếp cận, cung cấp thông tin, chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ, giải quyết các thủ tục hành chính trong lập, triển khai dự án đầu tư, chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng đất…;

Theo một số ý kiến chung, pháp luật kinh doanh BĐS hiện nay cũng còn thiếu các quy định nhằm xác lập cơ chế pháp lý đồng bộ, có hiệu quả để xử lý tình trạng đầu cơ, mua bán đất đai lòng vòng kiếm lời, đẩy giá nhà, đất lên quá cao so với giá trị thực tế. Cũng chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng lấy đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa ổn định ở các tính lân cận Hà Nội, TP.HCM… chuyển sang xây dựng khu đô thị mới, khu nhà ở, sân golf…; Thiếu các quy định về việc xây dựng, lưu trữ, công bố hệ thống cơ sở thông tin, dữ liệu về thị trường BĐS.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước sớm rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo trong đăng ký BĐS giữa Luật nhà ở, Luật Xây dựng, Luật đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng… đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật kinh doanh BĐS. Không nên quy định đăng ký BĐS tại nhiều cơ quan khác nhau, nên tập trung vào đầu mối cơ quan đăng ký BĐS. Cơ quan này nên là một hệ thống riêng, không nằm trong UBND các cấp. Đồng thời cần sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh BĐS theo hướng công khai, minh bạch, giản tiện cho nhà đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện như các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin và công khai hoá cơ sở dữ liệu, thông tin về BĐS để cho các nhà đầu tư dễ dàng tra cứu, tìm thông tin trước khi đi đến quyết định có đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh BĐS hay không…

Cafeland.vn - Theo Website Chính Phủ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.